đó. Trong căn phòng đầy gạch ngói đổ vỡ - mà sự gia tăng của những mảnh
gạch ngói này sẽ dẫn đến cái kết cục là làm đổ căn phòng - Aurêlianô suy
nghĩ tìm kiếm cách trình bày thích đáng yêu cầu của mình, chú dự đoán
khung cảnh và cơ hội thích hợp, nhưng khi thấy Phecnanđa lấy thức ăn ủ
trong tro nóng - cơ hội duy nhất để nói với bà - thì những lời yêu cầu đã
chuẩn bị rất kỹ càng bị ứ lại trong cổ, không thể nói thành lời. Ðó là lần
duy nhất mà Aurêlianô theo dõi Phecnanđa. Chú lắng nghe tiếng chân
Phecnanđa đi lại trong phòng ngủ. Chú nghe thấy tiếng bà bước ra cửa để
nhận thư của con cái và gửi người đưa thư những lá thư bà viết cho họ; đến
rất khuya chú còn nghe thấy tiếng bút dằn mạnh trên mặt giấy trước khi
nghe thấy tiếng tắt đèn và tiếng cầu kinh lầm rầm trong bóng tối. Cho đến
tận lúc ấy Aurêlianô mới ngủ và chú tin rằng ngày mai cơ hội mình mong
mỏi sẽ đến. Aurêlianô có ảo tưởng rằng điều yêu cầu của mình sẽ không bị
chối từ, nên một buổi sáng chú đã cắt đi mái tóc dài chấm vai, cạo đi bộ râu
tua tủa, mặc chiếc quần chẽn và chiếc áo có cổ giả mà chẳng biết là đã
được thừa hưởng của ai, rồi chú đến nhà bếp chờ Phecnanđa đi ăn. Nhưng
không đến người đàn bà ngày ngày vẫn sống ở đây, người đàn bà đầu
ngẩng cao, người đàn bà đi lại rắn rỏi ấy, mà chỉ đến một bà lão đẹp tuyệt
vời mặc chiếc áo khoác lông điêu thử màu vàng, đội chiếc miện bằng bìa
cứng mạ vàng và có dáng vẻ yếu đuối của một người thường khóc thầm.
Thực ra, từ khi thấy bộ trang phục hoa hậu đã bị gián nhấm ở trong rương
của Aurêlianô Sêgunđô, Phecnanđa đã mặc nó nhiều lần. Nếu có ai đó thấy
bà đứng trước gương làm đáng với cử chỉ có vẻ đài các đế vương chắc hẳn
sẽ cho rằng bà bị điên. Nhưng không phải thế. Phecnanđa chỉ biến bộ áo
hoa hậu ấy thành một cái máy nhớ mà thôi. lần đầu tiên mặc nó vào người,
Phecnanđa đã không tránh khỏi cảm giác ứ nghẹn trong tim và mắt bà đẫm
lệ, vì lúc ấy Phecnanđa như cảm thấy mùi xi trên đôi ủng của một quân
nhân đã đến tận nhà tìm mình để cho mình làm hoa hậu, và tâm hồn bà trở
nên trong suốt với sự tiếc nuối những giấc mơ đã qua. Bà cảm thấy mình đã
già yếu và cằn cỗi lắm rồi, đã khác xa biết bao nhiêu với Phecnanđa của
những giờ phút đẹp đẽ nhất trong đời, đến mức bà cũng nhớ tiếc cả những
giờ phút mà bà coi là tồi tệ nhất, và chỉ khi đó Phecnanđa mới thấy rằng