“Ôi trời ơi, không,” đứa bé đáp. “Mấy năm trước tôi chỉ là 0,42 thôi, và
hãy tin tôi đi, như thế bất tiện vô cùng.”
“Thế mọi người trong gia đình bạn thì sao?” Milo hỏi, vẻ thông cảm
hơn.
“Ồ, chúng tôi là một gia đình trung bình như những gia đình khác
thôi,” đứa bé nói, vẻ suy tư; “bố, mẹ, và 2,58 đứa con
– như tôi đã giải
thích đấy, tôi là 0,58.”
“Chỉ là một phần của một người chắc là lạ lắm nhỉ,” Milo nhận xét.
“Không đâu,” đứa bé nói. “Mỗi gia đình trung bình có 2,58 đứa con, vì
thế tôi luôn có người chơi cùng. Hơn nữa, mỗi gia đình còn có trung bình
1,3 chiếc xe, và vì tôi là người duy nhất có thể lái được 3/11 chiếc xe, tôi
luôn được dùng nó.”
“Nhưng các số trung bình đó không phải là số thật,” Milo phản đối; “đó
chỉ là tưởng tượng thôi.”
“Có thể thế,” đứa bé đồng tình, “nhưng đôi khi cũng rất có ích. Ví dụ,
nếu bạn chẳng có xu nào, nhưng lại đang đi cùng bốn người khác, mỗi người
có mười đô, thì các bạn sẽ có trung bình mỗi người tám đô. Đúng không?”
“Tôi đoán vậy,” Milo yếu ớt nói.
“Hãy nghĩ xem bạn sẽ có lợi hơn bao nhiêu, chỉ nhờ có số trung bình,”
đứa bé giải thích rất thuyết phục. “Và hãy nghĩ đến ông nông dân khốn khổ
sống ở chỗ suốt năm không có mưa: nếu không có lượng mưa trung bình
hằng năm là 940 mi li mét thì cây trồng của ông ấy sẽ khô héo và chết hết.”
Nghe thật là rối rắm đối với Milo, vì ở trường đây là môn cậu thấy khó
nhất.
“Còn có các ích lợi khác nữa,” đứa bé nói. “Ví dụ, nếu có một con
chuột bị chín con mèo vây, thì tính trung bình mỗi con mèo sẽ có mười phần
trăm chuột và con chuột sẽ là chín mươi phần trăm mèo. Nếu bạn là chuột
thì bạn thấy điều đó sẽ giúp bạn dễ thở hơn biết bao.”
“Nhưng làm sao mà thế được,” Milo nói và đứng bật dậy.