tiếp qua sự khảo sát về nhân chủng, ta có thể tạm chia ra làm bốn thời kỳ để
tiện nhìn dấu chân tiền nhân một cách rành rẽ hơn.
Thời kỳ một phỏng định qua nhiều đợt rời vào khoảng giữa thiên kỷ thứ ba
đến cuối thiên kỷ thứ hai trước Công nguyên bao gồm các sắc dân Cựu
Malay (Proto Malay), Tân Malay (Deutero Malay) và Lạc Việt.
Thời kỳ hai phỏng định từ đầu thiên kỷ thứ nhất đến giữa thế kỷ 3 trước
Công nguyên với các nhóm Môn và Khmer.
Thời kỳ ba vào khoảng từ cuối thế kỷ 3 tới thế kỷ 7 gồm các bộ tộc Miến
(trong đó có Pyu).
Thời kỳ bốn là đợt di cư ào ạt của người Thái vào thế kỷ 13 (sau khi Vương
quốc Đại Lý bị Mông Cổ phá vỡ) và những đợt nhỏ kế sau.
Mỗi thời kỳ đã được đánh dấu bằng các nhóm dân lớn đóng vai trò chính
đáng trong đợt nam thiên. Nhưng không phải là không có những nhóm dân
khác, với số lượng ít hơn, cùng chia sẻ cuộc hành trình giữ nòi dựng
nghiệp. Thí dụ, ngay trước khi có cuộc di cư ào ạt của người Thái vào thế
kỷ 13 thì một số tập thể nhỏ người Thái đã hiện diện rải rác ở Đông Nam Á
từ Miến Điện (được gọi là Shan) tới Bắc Việt (được gọi là Tây). Trong
khoảng thời gian giữa các đợt chính và ngay cả từ thế kỷ 13 đến thời kỳ
gần đây vẫn có những toán di cư nhỏ rời Hoa Nam xuống Đông Nam Á.
Thời kỳ 1
Những bộ tộc Bách Việt di tản xuống Đông Nam Á trong thời kỳ đầu tiên
được nhiều nhà nghiên cứu cho là đang ở thời đại văn hoá đồ đá mới. Họ
đem văn hoá đồ đá mới xuống thay thế cho văn hoá đồ đá giũa (mesolithic)
tức văn hoá Bắc Sơn Hoà Bình. Cũng có người cho là họ đã tiến sang thời
đại đồ đồng, hoặc ở thời đại kim thạch hợp dụng. Nhưng dù là họ ở thời đại
nào, một đặc điểm mà ai cũng công nhận nơi họ là phương pháp cấy lúa