Trung Hoa xuống Đông Nam Á qua vùng Cửu Long thượng. Dường như
cho tới khi di tản xuống phương Nam họ không hề tiếp xúc với văn minh
Trung Nguyên của Hán tộc. Họ tiến vào Hạ Miến qua các hành lang sông
Salween và Sittang, tụ tập thành những tổ hợp đầu tiên ở vùng bờ biển,
trước hết tại Thaton, sau tại Kosma và Pegu. Người Môn ở Hạ Miến có liên
hệ chặt chẽ với các sắc dân Pwo Karen. Dường như họ đã chiếm lĩnh địa
bàn sinh tụ của sắc dân này và trở nên kẻ thống trị. Ngôn ngữ Pwo Karen
chịu ảnh hưởng rõ rệt ngôn ngữ Môn. Người Môn là những nhà nông giỏi,
họ cũng là những thương gia, thợ đóng thuyền và nhà hàng hải thạo nghề.
Tuy nhiên họ chưa đặt chân xuống các hải đảo. Nơi họ tiến xa nhất là vùng
bắc bán đảo Mã Lai do đường xuôi theo Chao Phraya.
Tổ hợp Môn đầu tiên quy tụ như một quốc gia toạ lạc gần Lavo, cực bắc
vịnh Thái Lan và được biết đến qua tên Ấn là Draravati. Qua các cuộc tiếp
xúc buôn bán bằng đường biển, người Môn đã sớm tiếp nhận văn minh Ấn
Độ và sau này truyền thụ lại cho người Khmer, Miến và Thái.
Người Khmer có lẽ đã theo chân người Môn xuống Cửu Long thượng,
nhưng lại rẽ về phía đông và định cư ở Thượng Lào và cao nguyên Korat.
Họ choán cả hai bên bờ sông Cửu Long và sau này thành lập quốc gia đầu
tiên là Chân Lạp (Chen La). Tới hậu bán thế kỷ thứ sáu, người Khmer bắt
đầu lấn dần vương quốc Phù Nam ở phía Nam. Sang thế kỷ 9, Khmer đã
bành trướng rất rộng với trung tâm ở gần Biển Hồ (Tonlé Sap) và phía tây
lan ra tới tận lề Ấn Độ Dương sau khi chiếm được đất Môn ở vịnh Thái
Lan. Cuộc kết hợp giữa hai nhóm Môn và Khmer đã tạo thành một nền văn
hóa hợp nhất rực rỡ một thời, nền văn hoá của những người vốn cùng gốc
nhưng đã nam thiên theo hai ngã khác nhau.
Thời kỳ 3
Thời kỳ 3 là những đợt nam thiên của dân Pyu và Miến. Dân Pyu trước kia
có lẽ là nhóm người quan trọng nhất về mặt chính trị ở trung tâm châu thổ