trong vùng trước các đại cường.
- Phải cổ võ sự hợp tác địa phương.
Tại cấp các đại cường, cụ thể là Nga, Mỹ và Trung Cộng, cần thỏa thuận 3
điểm:
- Chấp nhận nền trung lập của ĐNA.
- Phải đặt ĐNA ra khỏi khu vực tranh chấp.
- Tìm cách bảo đảm nền trung lập của ĐNA để vùng này khỏi bị lôi cuốn
vào vòng tranh chấp về sau.
Thật ra, nếu gọi là một cuộc vận động (trung lập hóa) thì phải nói rằng đó
là một cuộc vận động rất tiêu cực. Vì tự biết tư thế yếu kém của mình, các
hội viên Hiệp Hội đã chỉ đưa ra những đề nghị trung lập hóa để các nước
còn lại trong vùng và các đại cường có ảnh hưởng vào vùng này tuỳ nghi
cứu xét và hưởng ứng, phản đối hoặc bỏ qua.
Dù có sự yêu cầu của Hiệp Hội hay không về việc xét định số phận ĐNA,
thì những cuộc thu xếp, đôi co, mặc cả với nhau giữa các đế quốc cũng đã
và đang diễn ra khi công khai, lúc bí mật. Tình trạng ĐNA đã chín mùi đủ
để thấy không còn đế quốc nào có tư thế độc tôn trong khu vực nữa. Nhưng
như vậy không có nghĩa là ảnh hưởng đế quốc sẽ biến mất. Trái lại, các đế
quốc phải tạo ra thăng bằng ảnh hưởng, nghĩa là trong tương lai, ĐNA sẽ bị
bắt buộc phải tiếp nhận một số ảnh hưởng vốn không có từ trước, và bớt đi
những ảnh hưởng vốn đã có quá nhiều.
Nhìn lại chính sách quốc gia ĐNA, cụ thể là các hội viên Hiệp Hội Các
Quốc Gia ĐNA, trong việc đi tìm một thế đứng của tập thể, những khuynh
hướng vọng ngoại vẫn còn đầy dẫy. Phi và Thái cùng cho rằng việc ký
tuyên ngôn trung lập không ngăn cản hai nước này tiếp tục ở lại Tổ Chức
Liên Phòng ĐNA (SEATO) do Mỹ làm chủ. Thật là một lập luận phản luận
lý đến cùng cực! Lý Quang Diệu của Singapore thì một mặt ký tuyên ngôn
trung lập, mặt khác lo bay sang Luân Đôn thỉnh cầu Anh hãy tạm hoãn việc
rút quân khỏi hòn đảo này để Đảng Nhân Dân Hành động dựa hơi dựa hám
quân Anh tiếp tục cầm quyền thêm một thời gian nữa.