Phạm Việt Châu
Trăm Việt trên vùng định mệnh
CHƯƠNG 3
HÀNG HÀNG TIẾP NỐI
Giống dòng Trăm Việt còn mãi nối tiếp: thật vậy, đó là một điều xác quyết
nổi bật trong lịch sử Đông Nam Á và sẽ còn là niềm tin tỏa sáng chiếu rọi
mãi vào vùng sâu thẳm tương lai.
Ngoài nỗ lực khôi phục tổ quốc vào thế kỷ 10 của tộc Việt, điều xác quyết
cũng còn được thể hiện qua công cuộc tạo dựng Kampuchea của tộc
Khmer, Ayuthia rồi Xiêm, Lan Xang rồi Lào của tộc Thái, Miến Điện của
tộc Miến và Pyu, Sravijaya, Singhasari, Majapahit… của tộc Malay vùng
Hải đảo.
Dân Tộc Khmer Và Vương Quốc Kampuchea
Trong khi Phù Nam suy dần thì Chân Lạp (Chen La), một vương quốc nhỏ
ở vùng nam Lào và bắc Kampuchea ngày nay bắt đầu bành trướng xuống
vùng trung tâm Phù Nam. Chân Lạp là quốc gia đầu tiên của nhóm Khmer
miền đông, đã tồn tại từ năm 550 đến 802 với gần như không có biến cố
quan trọng nào được ghi lại. Tới năm 802, một vương triều mới xuất hiện
do Jayavarman II lập nên, vừa thừa hưởng văn hóa Phù Nam vừa triệt để
tiếp nhận và khai triển thêm văn minh Ấn, đã bành trướng đến độ cực thịnh
vào thế kỷ 12. Đó là đế quốc Angkor hay Khmer, danh hiệu rất quen thuộc
với những người đọc sử, tuy nhiên quốc hiệu chính thức mà người Khmer
tự gọi là Kambuja, cái tên sau này đã được phục hồi lại và được phiên ra là
Kampuchia (Kampuchea).
Đế quốc Khmer đã có thời choán khắp vùng trung tâm Đông Nam Á lục
địa. Văn hóa Khmer được thế giới biết đến nhiều nhất qua kiến trúc Angkor
Thom – Angkor Wat (Đế Thiên Đế Thích). Vua Suryavarman II, trị vì từ
1113 đến 1150 đã dựng Angkor Wat, ngôi đền cho tới nay vẫn được coi là
vĩ đại nhất hoàn cầu trong các kiến trúc tôn giáo cổ. Vài chục năm sau, vua