Jayavarman VII (1181-1218) lại khởi công dựng Angkor Thom, khu hoàng
cung kỳ dị với những tháp đá có tượng đầu người bốn mặt.
Sau thời kỳ cực thịnh này, đế quốc Angkor bắt đầu suy. Những cuộc chiến
tranh với các nước láng giềng đã làm Angkor mất dần mòn cả dân lẫn đất,
nhất là trước sự hình thành và bành trướng của Ayuthia (Xiêm) và Lan
Xang (Lào). Năm 1431 trong một cuộc tấn công của Ayuthia, Angkor
Thom thất thủ, triều đình Kampuchea phải thiên về vùng Phnom Penh
(1434). Lui về vùng Phnom Penh, người Khmer đã bỏ quên Angkor Thom
– Angkor Wat không những trên thực tế, mặc cho rừng cây che phủ cố đô,
mà còn cả trên tinh thần, đánh mất hẳn cái khả năng tạo tác của thời đại
huy hoàng xưa.
Kể từ cuối thế kỷ 17, sau khi sáp nhập hoàn toàn Chiêm Thành vào đất
Việt, chúa Nguyễn liền tính đến vùng Đồng Nai, Cửu Long, làm cho
Kampuchea bắt đầu phải chịu thêm một áp lực nặng nề từ phương bắc,
không kém gì áp lực từ phương tây do người Thái tạo nên. Năm 1688, nhân
xuống dẹp giặc Hoàng Tiến
giúp vua Chettha IV (Nặc Ông Thu), quân
Việt đã chiếm luôn đất Prey Nokor (Sài gòn), Kâpéâp Srêkatrey (Biên
Hòa). Năm 1698, vùng đất này được chúa Nguyễn Phúc Chu phân thành
dinh, huyện và đặt quan cai trị. Rồi với kế tàm thực cho di dân định cư
trước, di quân bình định sau, chỉ trong vòng năm, sáu chục năm người Việt
đã lấy trọn vùng Nam Việt ngày nay một cách êm thắm.
Bị kẹt giữa hai gọng kìm Việt và Xiêm, phần đất Kampuchea còn lại cũng
luôn luôn nằm trong tình trạng lệ thuộc một trong hai nước. Cũng đã nhiều
lần Kampuchea cầu bên nọ rồi lại viện bên kia làm cho đôi bên đụng chạm
binh đao, nhưng tới năm 1846, Huế và Bangkok cùng thỏa thuận tấn phong
cho Ang Duong làm vua thì nước này bị chia hẳn thành hai vùng ảnh
hưởng: tây và bắc với Xiêm, đông và nam với Việt. Tình trạng này tồn tại
cho đến khi người Pháp đặt nền đô hộ.
Người Thái Lập Quốc