Malacca hợp lại thành Liên Hiệp Mã Lai (Malay Union) đặt dưới sự bảo hộ
của Anh, còn Singapore vẫn giữ tình trạng một xứ thuộc địa riêng.
Nhận thấy rõ sự tráo trở của Anh, những người quốc gia Mã đã tập hợp lại
với nhau trong Tổ Chức Quốc Gia Mã Lai Thống Nhất (United Malay
National Organization) để đấu tranh cho quyền lợi nhân dân Mã. Hai năm
sau, Anh nhượng bộ một phần bằng cách cải đổi Liên Hiệp Mã Lai thành
Liên Bang Mã Lai (Federation of Malay), ngày 1 tháng 2 năm 1948, và hứa
hẹn sẽ nới quyền dần để tiến tới tự trị. Tân Liên Bang vừa thành lập được ít
lâu thì cuộc nổi dậy của Cộng-sản do Hoa kiều chủ động bùng nổ, tháng 6
năm 1948. Chính quyền các tiểu bang Mã một mặt vẫn cộng tác chặt chẽ
với các lực lượng Liên Bang của Anh để chống lại du kích quân Cộng Sản,
mặt khác vẫn xúc tiến việc tranh thủ độc lập một cách ôn hòa.
Sau cùng, tháng 1 năm 1956 hội đàm Luân Đôn giữa chính phủ Anh và
nhóm đại diện Mã do Tengku (Hoàng thân) Abdul Rahman cầm đầu đã đưa
đến kết quả Anh chấp nhận trao trả độc lập cho Liên Bang Mã Lai. Ngày
31 tháng 8 năm 1957, Liên Bang Mã Lai chính thức được độc lập. Ngày 1
tháng 9, vị quốc vương Mã Lai (được gọi là Yang di Pertuan Agong) đầu
tiên được bầu ra đảm trách vai trò tượng trưng uy quyền quốc gia. Chính
quyền thực sự trong tay thủ tướng do Tengku Abdul Rahman đảm nhiệm.
Hiến pháp liên bang quy định lập pháp gồm hai viện. Thượng viện có
nhiệm kỳ sáu năm với 38 nghị sĩ, mỗi tiểu bang hai nghị sĩ (11 tiểu bang)
còn 16 nghị sĩ do quốc vương chỉ định. Hạ viện có nhiệm kỳ năm năm và
gồm 100 dân biểu (riêng năm 1959 bầu 104 dân biểu). Về hành pháp, cơ
chế Mã Lai có điểm đặc biệt là quốc vương chọn một dân biểu có uy tín
nhất làm thủ tướng. Thủ tướng đề cử thành phần nội các trong số các nghị
sĩ và dân biểu.
Cuộc bầu cử đầu tiên theo hiến pháp mới của liên-bang được tổ chức ngày
19 tháng 8 năm 1959. Liên minh của Tengku Abdul Rahman chiếm 73
trong số 104 ghế ở Hạ viện. Các phần tử đối lập chia nhau 31 ghế gồm Mặt
Trận Xã Hội (Socialist Front) 8 ghế, đảng Hồi Giáo Liên Mã (Pan Malayan
Islamic Party) 13 ghế, đảng Nhân Dân Cấp Tiến (People Progressive Party)
5 ghế, đảng Mã Lai (Malayan Party) 1 ghế và 4 ghế độc lập.