(Lao Issara) trong đó có những nhân vật trong hoàng tộc, trong giới thượng
lưu và cả một số người Việt nguyên là công chức cao cấp của Lào. Xét về
thành phần chính trị thì hội đồng gồm một số nhân vật có thành tích chống
Nhật, một số được coi là bài Pháp và một số khác tin tưởng ở đường lối ôn
hòa là có thể thâu hồi toàn vẹn độc lập nhờ thiện chí của người Pháp.
Cuối tháng 8, một lực lượng nhỏ của Pháp được thả dù xuống gần
Vientiane để giải thoát những viên chức Pháp hiện còn bị Nhật giam giữ.
Thái độ và hành động của các sĩ quan Pháp làm cho Lào Tự do nhận thấy
Pháp có vẻ muốn lập lại “trật tự” kiểu thuộc địa thời tiền chiến. Hoàng thân
Phetsarath đã cố giữ không cho quân Pháp vào thủ đô bằng cách điều đình
nhưng sau cùng Pháp vẫn lọt vào được Vientiane. Cùng khi ấy họ thả dù
một nhóm khác xuống Luang Prabang và vài ngày sau vua Sisavang Vong
công bố sự chấp nhận của hoàng gia về việc tái tục nền đô hộ của Pháp.
Ngày 10 tháng 10, Luang Prabang cất chức thủ tướng và luôn cả chức phó
vương của hoàng thân Phetsarath. Phản ứng lại, một hội đồng nhân dân
được triệu tập ngay sau hai ngày sau đó tại Vientiane đã công bố một bản
hiến pháp tạm để làm căn bản cho sự thành lập một chính phủ Lào tự do.
Đồng thời hội đồng đã cử phái đoàn lui tới Luang Prabang nhiều lần để
thuyết phục nhà vua rút lại những sắc lệnh đã được công bố do người Pháp
xúi giục và chấp nhận tân hiến pháp. Sau cùng nhà vua đã chấp nhận. Ngày
23 tháng 4 năm 1946 vua Sisavang Vong chính thức trở nên quốc vương
toàn xứ Lào trong chế độ quân chủ lập hiến sau lễ đăng quang theo nghi
thức cổ truyền.
Nhưng trong khi đó thì quân Pháp đã từ phía nam tiến lên chiếm cứ nhiều
nơi. Vientiane rơi vào tay Pháp ngày 25 tháng 3 năm 1946. Các nhóm
kháng chiến Lào Tự Do lần lượt tan rã, phần vượt sông Mékong chạy sang
Thái, phần rút vào rừng để tổ chức lại thành những toán du kích nhỏ. Tất cả
những yếu nhân của chính phủ Lào Tự Do cũng đào thoát sang Thái và tiếp
tục hoạt động với danh nghĩa chính phủ lưu vong tại Bangkok dưới sự điều
khiển của hoàng thân Phetsarath.
Sau khi chiếm được Vientiane và Luang Prabang, Pháp xúc tiến ngay việc
tổ chức ủy ban Pháp Lào để tạo một thỏa ước về mối liên hệ trong tương lai