Phạm Việt Châu
Trăm Việt trên vùng định mệnh
CHƯƠNG 6
INDONESIA: KINH NGHIỆM LIÊN HIỆP QUỐC CỘNG
Nasakom
Indonesia, quốc gia đông dân cư vào hàng thứ năm trên thế giới và lớn nhất
Đông Nam Á, đã là nơi mà cuộc đấu tranh để thống nhất diễn ra liên tục
không lúc nào ngừng. Sau thế chiến II, Hòa Lan đã núp bóng quân Anh trở
lại vùng này và mưu toan chia nát các hải đảo để dễ bề tái lập quyền thống
trị. Indonesia đã đấu tranh để giữ vẹn toàn lãnh thổ, một lãnh thổ nằm dài
trên 1/8 đường xích đạo với 3.000 hải đảo lớn nhỏ. Cuối cùng nhân dân
Indonesia đã thắng. Nhưng ngay từ trong cái thắng để thống nhất ấy lại nẩy
mầm chia rẽ, chia rẽ giữa Java (đảo trung tâm) và ngoại đảo, giữa chính trị
và quân sự, giữa giá trị cũ và giá trị mới, giữa khuynh hướng tự do và
khuynh hướng độc tài; sau hết và trầm trọng hơn hết: giữa cộng sản và
không cộng sản.
Sukarno đã đặt chỗ đứng của mình ngay trên những vết rạn nứt ấy – nghĩa
là ông ta tự biến thành mối dây liên hiệp các lực lượng chống đối. Ba lực
lượng nòng cốt là Quốc Gia, Tôn Giáo và Cộng Sản đã được Sukarno coi là
thành trì của chế độ và được mệnh danh là NASAKOM
Lòng sùng đạo (Hồi) và tinh thần quốc gia của nhân dân Indonesia đã được
khích động mạnh mẽ trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân. Niềm tin ở
Thượng đế và Tổ quốc là hai tín niệm đầu tiên trong ngũ niệm Pantja Sila
mà Sukarno đã dùng làm nền tảng ý thức chính trị. Còn về Cộng sản, trong
suốt thời gian cầm quyền, Sukarno cũng đã cố gắng duy trì. Hai lần Cộng
sản nổi dậy, hai lần bị quân đội dẹp tan và cũng hai lần Sukarno lại cho
phép tái lập để hoạt động công khai.
Khi thực dân cũ không còn là mối đe dọa nữa Sukarno bèn tính chuyện