khúc ca mà A Cát đã dạy, hơn nữa trong nửa năm bị lạc động quả phụ Hương
chưa từng hát bài nào khác, chỉ ca đi ca lại mỗi một khúc này thôi.
Giữa lúc đang hàn huyên, bên dưới sườn núi bỗng vang lên tiếng khua
chiêng gõ trống, đứng trên bậc thang ngó ra xa, chỉ thấy thôn dân xếp thành hai
hàng dài đi thẳng ra ngoài thôn, dẫn đầu là một người mang trên mình bộ đồ
bát quái màu đỏ, đầu đội mũ thất tinh, tay nâng một cái mâm trên đặt sừng dê,
không phải thầy Trình thì còn ai vào đây nữa? Hai đồ đệ của ông ta đi ngay
đằng sau hai bên trái phải, một người xách theo cái giỏ đựng đồ cúng, người
kia tay nâng bài vị màu đen, lưng đeo một cây gậy trúc dài, trưởng thôn và bác
Lưu hai người hai bên dìu Thạch Hà Anh tiến lên phía trước, còn lại đằng sau
là thôn dân tấu nhạc rộn rã.
Thím Chu hô lên: “Đi mau, đi mau, chuẩn bị chuộc hồn rồi!” Đoạn chạy
thẳng xuống cầu thang, bước chân thoăn thoắt, thân thể mau lẹ, hoàn toàn
không giống như một phụ nữ trung niên tuổi gần bốn mươi chút nào.
“Nhanh lên anh, chúng ta cũng đi xem thử!” Lý An Dân hào hứng hẳn
lên, kéo tay Diệp Vệ Quân chạy về phía ấy.
Cả hai theo chân đoàn người, rầm rộ mà chậm rãi rảo bước ra khỏi thôn,
đi men theo một con suối nhỏ ở sau thôn không bao lâu, liền thấy một vách núi
cô độc nhô lên khỏi mặt đất đứng sừng sững trong rừng rậm, bên dưới vách đá
có một cái cửa động đen ngòm. Bởi vì bản thân vách đá này có màu trắng, còn
cửa động thì trông hệt như một con hổ dữ đang sải bước chạy nhanh, thôn dân
mới gọi cái động này là động Bạch Hổ, Lý An Dân hết nhìn trái ngó phải rồi
trên dưới một lượt, cũng chẳng thấy có chỗ nào giống một con hổ cả.
Đoàn người vây kín trên khoảng đất bằng trước động, thầy Trình đặt bài
vị, bày biện các thứ đồ cúng xong xuôi, mới để cho Thạch Hà Anh quỳ gối
phía trước bài vị. Thầy đốt một xấp giấy rồi đưa đồ cúng vào trong động, rót
một chén nước bưng cho Thạch Hà Anh uống.