Theo phong tục địa phương, những đứa trẻ chết yểu khi chưa đầy mười
hai tuổi thì không được dựng bia xây mộ, mà chỉ đặt một tảng đá đè lên mộ,
khiến cho chúng không còn cách nào siêu sinh.
Lý An Dân nghe mà thấy khó chịu, cô nói: “Vậy lỡ như không phải do ma
sống tạm tác quái mà chỉ là bản thân đứa trẻ sống không được lâu, tự dưng bị
đè như thế thì ngay cả cơ hội chuyển thế đầu thai cũng mất luôn à?”
Mục sư phụ nhìn cô giây lát, híp mắt cười rộ lên, nói: “Phong tục chỉ là
phong tục, nghe cho biết thôi chứ chớ có coi là thật, tùy tiện đè một tảng đá lên
trên là có thể trấn hồn được sao? Nào có chuyện dễ dàng như thế.”
Lý An Dân thấy Mục sư phụ chân bước khoan thai, cũng không có ý che
chở cho thi thể gì cả mà cứ tự nhiên đi đằng trước, làm cô không yên tâm phải
ngoái đầu lại nhìn, chỉ thấy Lý Hồng Băng nhảy nhót rất ổn định, cho dù nhảy
xuống dốc núi cũng không bị té ngã. Mục sư phụ chẳng hề ra lệnh gì cả, lững
thững đi như đi dạo, Lý Hồng Băng ở sau sẽ tự nhảy nhảy theo dấu chân cô.
Điền sư phụ phải dựa vào cành phan dẫn hồn cùng với tiếng cồng, còn
Mục sư phụ hình như là đổi bùa để điều khiển thi thể. Cho tới lúc này, Lý An
Dân mới nhìn thấy cô nhóc dùng đến hai lá bùa, một lá dán vào để đi đường,
thi thể sẽ tự nhiên đi theo sau thợ đuổi xác, thợ đuổi xác đi tới một bước, thi
thể liền nhảy tới một bước, thợ đuổi xác ngừng lại, thi thể cũng lập tức đứng
yên phía sau chừng hai bước chân, thay lá bùa còn lại thì thi thể sẽ đứng yên
bất động ngay tại chỗ.
Lý An Dân cảm thấy đây chẳng giống việc đuổi xác dẫn thi bình thường,
mà nó tựa như là “Khống thi” như lời Điền sư phụ nói. Nhưng sư phụ bé con
này khăng khăng nói mình chỉ là một thầy chạy chân bình thường, chẳng qua
là vì bùa chú gia truyền khác với những hệ phái khác, nhìn có vẻ thuận tiện
song yêu cầu với thợ đuổi xác lại cao hơn rất nhiều. Mục sư phụ bảo từ bé cô