Đấu đồng tử vốn là một loài hung thú cắn nuốt linh hồn, Phương tướng
thời xưa phân tách linh hồn của nó ra mà phong ấn vào trong cơ thể của một
trăm ba mươi ba nô bộc, thường được gọi là bách nô. Trong lúc cúng tế cần
phải để cho bách nô đưa linh hồn vào vật làm phép, hồn khí tụ hợp lại với nhau
mới biến thành hình thú Đấu đồng tử, sau đó dựa vào linh hồn bách nô để áp
chế hung tính của nó mà trừ tà ngăn dịch.
Nếu dùng thân thể máu thịt để chế tạo nên Bách thần phổ, tình huống
ngoài ý muốn dễ xảy ra nhất chính là việc linh hồn trung gian bị Đấu đồng tử
cắn ngược trở lại, từ đó mà biến thành một con hung thú hình người. Có thể áp
chế được hung khí của Đấu đồng tử hay không, ngoại trừ phụ thuộc vào tố chất
bản thân vật trung gian, còn phải xem khả năng thầy mo chế tạo vật trung gian
ấy thế nào nữa.
Mục sư phụ nói với Lý An Dân: “Em nghe tay đạo sĩ kia nói tổ tiên của
chị từng được chọn làm đồng nữ để đảm đương bách nô, là thầy tế có thể khiến
cho bách nô hiện hình thì địa vị chí ít cũng không dưới Cuồng phu, hơn nữa
chị và Diệp sư phụ có mối liên hệ bền chặt, để chị tự làm xác suất thành công
sẽ cao hơn một chút.”
Nghe những gì cô nói, Lý An Dân không khỏi nhớ đến ông chủ Lư Ngư
chuyên khắc rối bóng cùng Quản sư phụ làm rối gỗ. Ông chủ Lư Ngư từng nói,
vật trung gian tất phải qua tay phương sĩ đích thân chế tạo mới có thể phát huy
được hiệu quả thực sự của nó, điểm này có lẽ cũng tương đồng với thuật phù
thủy. Lý An Dân không thể từ chối, cũng không có ý định nhường cơ hội này
cho bất cứ ai.
Mục sư phụ chỉ ra quá trình thao tác cùng với những điều cần chú ý khi
tiến hành cho hai người, để túi đựng bùa lại rồi rời khỏi động, chỉ bảo ba ngày
sau sẽ đến xem thành quả thế nào.