Còn có một tấm hình nom vô cùng đặc biệt và thú vị, hai người lính kéo
căng một tấm ga giường che khuất trận địa, trước tấm ga bày một cái bàn, trên
đó có hoa tươi và giấy bút, ba bé trai xếp thành hình tam giác đứng cạnh bàn.
Chú nhóc ở đằng trước có vẻ lớn tuổi hơn một chút, vai đeo chéo một cái túi
kiểu quân đội, thẳng cằm ưỡn ngực, hai tay chắp sau lưng, rõ là bắt chước tư
thế tác phong của thủ trưởng, cậu bé phía bên trái thì hướng về phía ống kính
làm một cái mặt hề, cậu còn lại phía bên phải có vẻ hướng nội, nghiêng đầu,
ánh mắt liếc nhìn ống kính. Trên ảnh có dính vết bẩn không tẩy sạch được,
nhưng vẫn khiến cho người nhìn có cảm giác rất trong trẻo ấm áp.
Dựa vào mấy câu chú thích bên dưới ảnh, đây là hình cũ thời kì Chiến
tranh Triều Tiên, Lý An Dân cảm thấy mới mẻ thú vị liền giở hết tập ảnh ra
xem, ngoại trừ ảnh chiến trường ra, căn bản đều là các nhân vật từ những năm
năm mươi cho tới những năm tám mươi của thế kỉ trước, phác họa cuộc sống,
cũng không có hình lưu niệm của bản thân Diệp Vệ Quân. Đây đại khái là đồ
sưu tầm, những tấm hình này đều lưu lại kỷ niệm quý giá của một thời chẳng
thể quay về, lật qua lật lại một hồi, chẳng biết tự lúc nào khóe mắt Lý An Dân
đã hơi ươn ướt.
Dưới đáy rương là một hộp gỗ vuông dẹp màu vàng, Lý An Dân do dự
hồi lâu, vẫn không kìm được lòng hiếu kì mãnh liệt, nhẹ nhàng mở nắp hộp ra,
bên trong cũng là ảnh chụp, trên cùng là một tấm hình tập thể gồm hơn mười
người, viền quanh tấm hình còn có hoa văn gợn sóng, chỉnh thể hiện lên sắc
nâu đỏ, bối cảnh phía sau là một bức tường gạch đen nhánh, trên tấm hình
vuông vắn có dán một hàng chữ đen, viết: “Xã viên Hợp tác xã thứ bảy, đại đội
núi Tiểu Cương.”
Lý An Dân thầm nghĩ: Địa danh núi Tiểu Cương này dường như đã nghe
qua ở đâu đó rồi thì phải? Không phải là nơi đại đội của ông nội đóng lại đó
sao? Xem ra ông chú đứng ở giữa hàng đầu tiên kia rất có thể chính là ông nội!