một hạt bụi, sân sau còn có một miệng giếng cổ, miệng giếng nằm âm dưới
mặt đất, được một tảng đá vuông vắn đậy lên trên, dân trong thôn bảo tại nước
giếng khô cạn rồi, có người đổ rác xuống dưới đấy, đến hè là ruồi bọ bu đầy,
nên mới phải đậy kín lại cho đỡ phiền hà.
Cao Hàm trời sinh có bản lĩnh gặp ai cũng kết thân được, bèn tận dụng
ngay để dò hỏi lai lịch của Quan Âm tay đỏ từ anh chàng đầu đeo băng vải.
Anh ta nói điều này có liên quan đến tập tục mai táng của địa phương, trước
thời kì cải cách, nơi đây có một quy định bất thành văn, đó là trẻ sơ sinh chết
yểu trong vòng hai tháng thì không được chôn, mà phải dùng thủy táng. Tương
truyền con sông thả xác trôi theo dòng ấy là đường dẫn đến thiên đường,
nhưng phải xuyên qua âm tào địa phủ, mà Diêm Vương gia lại thích lấy xác trẻ
con chà xát ra thành mưa đá trừng phạt nhân gian, mọi người mới nhuộm hai
tay của lũ trẻ thành màu đỏ, Diêm Vương gia trông thấy tay trẻ như vậy sẽ cho
rằng chà xát đã nhiều rồi, không gây thêm họa cho cõi người nữa.
Lý An Dân nghe câu chuyện truyền thuyết này khá quen tai, đây chẳng
phải là phong tục mai táng của tộc người Tạng đó sao? Anh Diệp lúc phổ biến
kiến thức về tập tục tang ma của các nơi cho cô cũng từng đề cập đến, thủy
táng tay đỏ thịnh hành nhất là ở vùng Cam Tư Tứ Xuyên, người thôn này rất
có khả năng từ vùng dân Tạng di cư đến đây, thảo nào lại cứng đầu cứng cổ
như thế. Theo lời Vương Quốc Huy nói, hành động phản kháng bằng bạo lực
với Ban cưỡng chế và di dời là do thôn trưởng thôn Quan Âm khởi xướng,
được cả thôn hưởng ứng tích cực, trong đội ngũ quần chúng cầm xẻng đứng ở
tuyến đầu có phụ nữ mang bầu vác theo cái bụng căng tròn, có cụ già bảy tám
mươi tuổi, thậm chí cả người tàn tật chân đi còn phải chống gậy.
Truyền thuyết về thủy táng tay đỏ vẫn còn một đoạn sau, con suối nhỏ
trước thôn Quan Âm có tên là sông Tống Tử, những lúc hoàng hôn, dưới ánh
chiều tà, nước sông sẽ biến thành màu đỏ rực, ai nấy đều bảo là do bị thuốc sơn
trên tay lũ trẻ nhuộm ra như thế, nước gột trôi màu thuốc, đến Âm phủ rồi khó
tránh khỏi tai mắt của Diêm Vương.