Anh chàng đầu quấn băng vải nói: “Chớ có phí lòng, chú Từ đây không
nhận chuyện làm ăn đâu, mua một hai món làm kỷ niệm còn có thể, chứ muốn
nhập hàng thì không được, đã không hợp ý dẫu có muốn mua cũng không mua
nổi.”
Thầy cả Từ đem hoành thánh bỏ vào trong tủ lạnh, lấy mấy chiếc ghế con
ra mời khách ngồi, Chu Khôn móc ví lấy mặt dây Quan Âm mua ở Bạch Vân
hiên ra, hỏi: “Thầy cả Từ, thầy có khắc tượng Bồ Tát giống như vậy chưa?”
Thầy cả Từ lôi một cái rương gỗ ra khỏi gầm giường, bên trong đựng đầy
nhóc tượng điêu khắc nho nhỏ, có ông Thọ, Phật Di Lặc, tuần lộc… đủ loại,
mỗi một thứ đều được chạm khắc nom rất sinh động, cũng có cả tượng Quan
Âm. Mặc dù những thứ này còn chưa được đánh giấy ráp và lên màu đàng
hoàng, nhưng từ chi tiết và hình dáng cũng đủ thấy tay nghề lão luyện, xem ra
Chu Khôn khen nịnh cũng không chệch đi đâu, có một đôi bàn tay đẽo gọt
tuyệt vời như vậy, cớ sao cứ phải mò khắp hang cùng ngõ hẻm đi bán hoành
thánh làm gì?
Chu Khôn đem tượng Quan Âm do thầy cả Từ chạm khắc ra so sánh với
sản phẩm của Bạch Vân hiên, lại so tiếp với những món hàng sản xuất hàng
loạt mua ở ngoài chợ, rất rõ ràng, độ sâu cạn, đường nét điêu khắc của thầy cả
Từ giống hệt Bạch Vân hiên. Ai từng học qua thư họa Trung Quốc đều biết,
phái nào đều có phong cách riêng của trường phái ấy, kĩ xảo không hề giống
nhau, điêu khắc cũng có đạo lý tương tự như vậy, Lý An Dân và Cao Hàm
trông không hiểu, nhưng Chu Khôn thì có chút kiến thức, cô nói: “Xem ra thầy
cả Từ và thầy điêu khắc của Bạch Vân hiên đều là cao thủ thuộc Trần phái.”
Thầy cả Từ đang dùng đục gọt đẽo đường vân gồ ghề ở mặt ngoài chất
gỗ, nghe cô nói vậy liền cười một tiếng: “Tôi chỉ là một người bán hoành
thánh, chơi gỗ chỉ để thỏa niềm vui thú chứ nào có phái này phái kia? Thích thì
cứ lấy đi, mười tệ một cái.”