bằng lòng bàn tay, đựng trong túi chống thấm, cùng loại với cuốn sổ của Tống
Ngọc Linh - bìa da màu nâu đỏ, bên trên có khắc bùa cấm tà Bát phương.
Ông chủ Lư Ngư nói sổ tay này do anh ta tự tay chế tác, số lượng có hạn,
chỉ bán cho khách hàng đặc biệt thân thiết, Lý An Dân rất lấy làm vinh hạnh,
thận trọng lật từng trang giấy ra thưởng thức. Sổ nhỏ mà dày, cầm trên tay thấy
nặng trình trịch như một quyển từ điển thành ngữ cỡ nhỏ vậy, lại có cả dây
móc đề phòng đánh rơi, có thể móc vào dây lưng hoặc quai túi. Bìa sổ làm
bằng da thuộc cứng, bên trong cũng khắc chú văn, lại dán thêm một lá bùa.
Giấy bên trong là giấy mỏng màu trà, rất dai, chịu được kéo giật mà không
rách, sổ được đóng gáy cẩn thận hai lượt, quả thật là chế tác hết sức tỉ mỉ công
phu.
Ngoại trừ tấm tắc khen ngợi ra, Lý An Dân không khỏi hiếu kỳ về ý nghĩa
chú văn được khắc trên sổ, xem ra không phải chỉ là hoa văn trang trí thuần túy
mà thôi.
Lư Ngư nói chú văn được khắc chìm để phòng ngừa những điều không
may, là pháp môn đặc biệt mà phương sĩ bao đời trước dùng để bảo tồn những
bản ghi chép đặc biệt. Trên cõi đời này, luôn có một thứ sức mạnh siêu nhiên
nào đó chuyên quấy nhiễu không cho người ta tìm tòi học tập các loại kỳ môn
dị thuật. Phương thuật phái Yên Sơn cũng từng một lần đối mặt với nguy cơ
thất truyền, sách vở ghi chép thuật pháp cùng những điều khác lạ thường gặp
đủ kiểu thiên tai nhân họa như lũ lụt hỏa hoạn, trong đó có sự cố ngẫu nhiên,
cũng có những việc kì quặc không cách nào dùng yếu tố khách quan mà giải
thích được. Tổ tiên nhà họ Lư cho rằng những sự lạ kia là do một sức mạnh
siêu nhiên nào đó thao túng, từ xưa đến nay, có quá nhiều tai vạ tưởng chừng
như tình cờ nhưng đều là kết quả tất nhiên của một quá trình dẫn dắt tinh vi,
bùa cấm tà Bát phương là thứ pháp thuật bảo vệ được phát minh ra để chống
lại sức mạnh siêu nhiên kia.