Lý An Dân nhận lấy chìa khóa mà ông Lưu đưa cho để mở cửa phòng của
Quản sư phụ và ông chủ Lư Ngư, phát hiện hai anh em này đang nằm ngược
đầu nhau ở trên giường, anh gác tôi, tôi gác lại anh, cả hai đều ngủ say như
chết, căn phòng bị mùi rượu hun đến ngạt thở.
Ông Lưu khẽ khàng tiến tới, lấy chăn đắp kín cho hai người, Lý An Dân
không nhịn được mới cất lời oán trách: “Quản sư phụ thì không nói làm gì, cái
ông chủ Lư Ngư này khi nãy còn bảo tửu lượng mình tốt, hóa ra tốt của anh ta
là ngủ tít mù thế này đây.”
Ông Lưu nói đỡ cho bọn họ: “Đừng trách hai cậu ấy, rượu thôn trưởng
mang đến nặng quá, độ rượu cao nên mới lâu ngấm, mới uống lần đầu có say
cũng là chuyện bình thường, ngủ một giấc là khỏe thôi.”
Hai người trở ra hành lang, Lý An Dân không dám quay lại cái căn phòng
gặp ma ấy nữa, thế là theo chân ông Lưu đi tuần ruộng, hai người so với một
người cũng vững tâm hơn ít nhiều.
Hai mẫu đất nhà ông Lưu cách thôn khá xa, nằm trên một sườn dốc, chỗ
này lẫn cả đất bỏ hoang cỏ dại mọc đầy với ruộng hoa màu, lưa thưa vài thửa
đất trồng cây lương thực, một loạt bù nhìn rơm được cắm xiên xiên giữa ruộng,
mỗi lần gió nổi những mẩu rơm rạ lại bay tán loạn dưới ánh trăng.
Ông Lưu giơ cao đèn pin chiếu ra xa, vừa đi vừa nói chuyện: “Bù nhìn
rơm này chẳng phải để đuổi chim đâu, mà là sợ có heo rừng tới ủi đất ăn mất
khoai lang đấy. Mấy năm nay thường có heo rừng nhân lúc đêm khuya xuống
núi phá hỏng hoa màu, bọn tôi bây giờ tuy không sống dựa vào làm nông nữa,
nhưng cơ nghiệp các cụ để lại làm sao mặc lũ súc sinh ấy giày xéo được.”
“Bác nói phải quá ạ, bác Lưu, ruộng nhà bác cách thôn xa vậy, lại ở gần
cửa rừng nữa chứ, heo rừng có xông ra ngoài thì cũng phải băng qua đây đúng