Hàm: “Những tin đồn như vậy chỉ nên nghe một chút thôi chứ đừng coi là thật,
có lẽ Ăn mày mặt nát ấy chẳng qua vì bất đắc dĩ mới phải đi ăn xin ngoài
đường, nhưng mà người lớn toàn như thế cả, cứ lôi một người tàn tật ra tô vẽ
thành yêu ma, sau đó đem ra hù dọa trẻ con, rất nhiều chuyện ma đều từ đó mà
ra, đừng nên suy nghĩ nhiều làm gì.”
Ngoài miệng cô nói như vậy, nhưng trong lòng thì lại vô cùng để ý, câu
chuyện Ăn mày mặt nát rốt cuộc được lan truyền bắt đầu từ lúc nào nhỉ? Khi
đó cô còn nhỏ, vừa mới lên lớp Ba, có nhiều chuyện không thể nhớ nổi, nếu
như Ăn mày mặt nát quả thật tồn tại, vậy có khi cô đã từng gặp rồi…
Sau khi ăn xong bữa cơm đoàn viên, Lý An Dân tìm bà nội để tán gẫu, có
nhắc đến khúc nhạc thiếu nhi “Hoa mã lan nở rộ” ấy, trong ấn tượng của Lý
An Dân, bà nội đã dạy cho cô bài đồng dao này.
Bà nội lại nói: “Con nhớ nhầm rồi, bài này là con hát cho nội nghe chứ
đâu, nhà ta thuộc nhóm đầu tiên chuyển đến phố Nam Hậu, gần đó lại không
có bé gái nào cùng tuổi với con, thế là con cứ chơi một mình trong cái sân rộng
ấy. Đá cầu, nhảy dây chun, một buổi tối, con lon ton hứng chí chạy một mạch
về nhà, miệng véo von một khúc đồng dao, bảo có một chú cùng chơi nhảy dây
chun với con, còn dạy cho con hát bài này.”
Tim Lý An Dân thoáng như ngừng đập một nhịp, hỏi: “Chú kia… có phải
là Ăn mày mặt nát đầu ngõ không ạ? Thì ra người này có thật, thế mà xưa nay
con vẫn tưởng đấy là chuyện ma người ta bịa ra ấy.”
Bà nội nói câu chuyện “Ăn mày mặt nát” đúng là tin đồn nhảm, tô vẽ một
người thành yêu ma, nhưng quả thực cũng vì khuôn mặt của người kia quá
đáng sợ nên mới khiến cho người ta nảy sinh ra những liên tưởng kinh hoàng
ấy. Không một ai biết lai lịch của người đàn ông này, đêm nào ông ta cũng xuất
hiện ở đầu ngõ, ngồi ngay trước sân, mọi người thấy ông ta ăn mặc rách rưới,
mặt lại nát như vậy, bà con đều cho đó là một kẻ ăn mày lang thang xin bố thí.