Trạng Hít reo lên:
– Thế thì được rồi, thế thì được rồi.
Vợ chồng trạng Hít sang nhà bố mẹ, đã thấy giữa nhà bày mâm rượu
với thịt gà. Bố vợ bảo chàng rể:
– Bấy lâu anh đi trổ tài những đâu, nghe nói giỏi lắm. Nhưng tao mới
tin một nửa. Bây giờ tao thết anh bữa chén rồi nếu anh mà chỉ ra được chỗ
tao chôn chĩnh bạc thì tao mới thật cho anh là trạng, tao thưởng cho nửa
chĩnh.
Trạng Hít chắp tay vái tạ bố vợ. Rồi ngồi vào mâm, bố vợ và chàng rể
chè chén khề khà một lúc rồi trạng Hít đứng dậy thong thả bước ra giữa sân,
ngoảnh mặt nhìn bốn phía rồi lại hếch mũi lên hít từng hơi dài. Xong đâu
đấy, trạng Hít thong thả đủng đỉnh tới chỗ gốc cây mít to đằng sau nhà.
Bố vợ hoa tay múa chân hét lên: “Thật là trạng! Thật là trạng!” Rồi bố
con lại ngồi vào mâm rượu. Chặp tối, bố vợ lấy thuổng ra đào cái chĩnh bạc
bên gốc mít lên. Rồi chia cho con rể năm mươi lạng, bỏ vào cái tay nải.
Trong đêm, chàng rể xách ngay túi bạc về.
Tiếng tăm trạng Hít càng lừng lẫy. Trạng Hít cũng giả bộ làm cao, được
mời nhưng không đi hít tìm những cái lặt vặt. Thế rồi một ngày kia, trong
kinh đô, nhà vua mất trộm một con rùa bằng vàng. Quan quân đã bắt, đã tra
hỏi cả trăm người trong triều ngoài nội mà chưa ra manh mối. Có người hiến
kế biết ở cõi ngoài có ông trạng Hít khét tiếng, cái gì ở đâu cũng hít thấy
được.
Nhà vua sai một quan hoạn với hai người lính bí mật về tận làng trạng
Hít. Tức khắc, trạng Hít được ngồi cáng võng lên kinh đô, không kịp từ biệt
vợ con.
Nằm trên cáng, trạng Hít lo sốt vó. Cả đêm không thể ngủ được. Vua
gọi lên kinh tìm của báu, mà trạng Hít chỉ có tiếng hão, tìm làm sao được.
Thế thì chết đến nơi rồi. Càng gần tới kinh đô, tưởng như cái chết càng đến
bên cạnh. Sau cùng, trạng Hít nghĩ trăm cách chỉ có cách chết đi thì mới hết
lo.