hoảng đến hóa điên mất. Làm sao tìm được, ôi chao thôi thì chẳng biết thế
nào, lại chỉ có cái chết mới có thể hết chuyện được.
Một ngày kia, trên đường đi, đoàn sứ giả cùng trạng Hít qua sông
Trường giang mênh mông. Bất thần, trạng Hít ở trong kiệu bước ra đầu
khoang, nhảy xuống sông. Bọn lính lao theo, vớt ngay lên được. Chẳng may,
lúc trạng Hít lao xuống nước, va mặt vào cái bơi chèo, sứt một bên cánh
mũi, máu chảy lõa lợi.
Trạng Hít lóp ngóp ngồi lên sạp thuyền, rầu rĩ nói:
– Không phải tôi vấp chân kiệu ngã xuống sông đâu, mà tôi xuống
nước hỏi vua Thủy về việc mất trộm. Các người chẳng biết gì cả, đã kéo tôi
lên, làm cho mũi tôi đập vào mạn thuyền sứt một cánh mũi thần mất hết
thiên cơ rồi. Bấy lâu nhờ mũi thần mà tôi nghe được tiếng con chim trên
trời, con cá dưới nước, biết mọi chuyện trần gian, chuyện thiên cơ, có thế
mới hít được những cái không trông thấy. Bây giờ, tôi chẳng còn nghe biết
gì nữa, mất phép thiêng rồi. Thôi, tôi chẳng đi sang gặp vua nữa.
Đoàn sứ giả nhốn nháo cả lên. Không biết thế nào, đi đón quan trạng
mà không có quan trạng về thì cả quan cả lính chắc phải tội chết chém. Thế
là mọi người cứ áp tải trạng Hít về kinh đô, đi đường canh gác cẩn mật.
Trạng Hít vào cung trình bày mọi nhẽ với vua nước Trung Quốc. Từ
việc xuống hỏi vua Thủy đến khi bị vớt lên đụng vào mạn thuyền vỡ mất
tinh mũi thiêng.
Vua Trung Quốc nghe thế, rất buồn, nhưng cũng bảo trạng Hít cứ đánh
hơi thử xem sao. Trạng Hít ra sân quay bốn phía, ngẩng mặt lên hít. Rồi vào
tâu với vua chẳng ngửi thấy mùi vàng bạc ở đâu cả.
Vua Trung Quốc bấy giờ mới tin là thật.
Bèn lệnh cho người ngựa đưa trạng Hít trả về quê nước Nam. Lại bỏ
ngục các sứ giả và bọn lính đi công cán mà làm hỏng việc.