ĐỘNG TỪ THỨC
Vào đời Trần, ở châu Ái, có một chàng trai tên là Từ Thức. Hai mươi
tuổi, thi đỗ, được bổ làm tri huyện một vùng ven bể.
Từ Thức làm quan, nhưng chẳng ham việc lại ham thơ phú và hay đi
thăm các danh lam thắng cảnh hầu khắp nơi trong cõi.
Ở trong vùng có một ngôi chùa cổ, vườn chùa trồng hoa mẫu đơn. Mỗi
năm vào tháng giêng, hoa mẫu đơn nở hồng rực, cũng là kỳ hội chùa khách
thập phương nơi nơi về xem hoa và lễ Phật. Bởi thế, hội chùa cũng có tên là
“hội hoa mẫu đơn”.
Tháng giêng năm ấy, đương giữa hội hoa, Từ Thức đến vãn cảnh. Quan
huyện ăn mặc như một chàng trai làng trảy hội, quan đi một mình, không
lính hầu, không có ngựa có võng theo.
Chùa này vốn có lệ cấm ngặt vào vườn xem hoa và ai ngắt hoa hay làm
gãy cây thì phải phạt vạ.
Có một cô gái đã trèo vào vườn hoa. Mải mê ngắm hoa, cô đến bên cây,
nâng đóa mẫu đơn lên. Chẳng may hoa gãy cuống, rơi xuống đất.
Thế là cô gái bị bắt vạ. Cô không có một đồng kẽm trong thắt lưng, bọn
tuần tráng trong làng trói hai tay cô gái vào gốc cây đại.
Từ Thức vào qua tam quan chùa nhìn thấy cô gái xiêm áo lụa là bị trói
trong gốc cây, nước mắt chứa chan trên khuôn mặt hoa. Từ Thức nổi giận
toan sai người đi bắt bọn côn đồ nào dám hành hạ dân lành – nhất là một cô
gái đẹp nhường kia. Nhưng chợt nhớ quan huyện đi không cưỡi ngựa, không
có cờ, bảng. Từ Thức dẹp cơn nóng, bước tới xin làng tha cho cô gái.
Tuần làng nói:
– Lệ phạt vạ đã được đặt ra từ đời trước, không dám thay đổi. Bao giờ
có hai quan tiền nộp thì mới được tha.