TRA TẤN HÒN ĐÁ
Đến dịp Tết cả, mọi nhà đều đi chợ sắm sửa. Cũng là đi chợ, nhưng
mỗi nhà một nhẽ, mỗi người một cảnh. Nhà có thì đi phiên chợ sớm, nhà
nghèo thì phải đến phiên áp Tết chạy được đồng tiền cầm tay, mới nháo
nhào đi.
Nhà này cũng quanh năm túng bấn như mọi nhà trong xóm. Cuối năm,
chồng giật công non sang giêng đi cày, vợ lấy trước tiền đặt cọc được vài
đồng. Thế là Tết đến nơi mới tất tả đến chợ.
Mẹ đi chợ, ở nhà mấy bố con mới chắc là có Tết, bấy giờ mới quét bồ
hóng trên bàn thờ, lau cái bình hương, lại cọ cả niêu, nồi đất rồi múc sẵn
chĩnh nước lên bếp – chẳng biết để làm gì. Bố ra bờ rào chặt một cành tre
đem về cắm trước cửa đợi mẹ mua chuông khánh về treo. Cành tre gió lay
phơ phất trẻ con đã ngỡ như nghe tiếng những con cá đất nung lắc lư reo
leng keng vui tai.
Ở chợ Tết ra, mẹ đã mua các thứ bỏ vào chiếc thúng cái đội trên đầu.
Cái Tết của cả nhà nằm trong thúng. Thôi thì đấu gạo, cái chân giò, một ống
mật, một ống rượu…, lại bó hương đen, mấy cái chuông cái khánh, tờ tranh
tiền.
Đi một thôi đường về qua một cái suối. Mùa cạn, nước chỉ xăm xắp
trên cát, người bước chuyền mấy hòn đá. Có một mình mẹ đi qua suối. Tảng
đá trơn, trượt chân một cái, mẹ ngã sõng soài xuống nước. Thúng đổ ụp,
văng đi, trôi băng xuống hũm thác, cái thúng chìm nghỉm mất trong thác
nước.
Hai bên bờ bụi rậm, nước xoáy cuồn cuộn, không thể đuổi theo vớt
được một mảy. Mụ ngồi ngay trong dòng nước, chẳng buồn đứng lên, khóc
thảm thiết.