Quan huyện đi kinh lý cuối năm về qua. Người ngựa dừng lại, quan
huyện bước đến, hỏi vì sao mà khóc. Người đàn bà mếu máo kể quan huyện
nghe nông nỗi.
Rồi nói:
– Tôi không sợ bị chồng đánh, bị nghe con khóc. Tôi chỉ thương cái
thân tôi, không biết còn khổ đến bao giờ?
Quan huyện trông người đàn bà rũ rượi, nói:
– Cứ như lời nhà mụ khai thì tảng đá kia chính là kẻ phạm tội. Hòn đá
hay con chim, con hươu, con hổ ở chín châu mười mường trong cõi đều phải
trị tội. Ta sẽ bắt hòn đá phải đền cái Tết nhà mụ.
Quan huyện chỉ hòn đá, ra lệnh:
– Lính đâu, giải bị cáo về công đường.
Bọn lính nghe lệnh quan đều ngơ ngác. Giải hòn đá này về huyện? Làm
thế nào? Một người lính không biết thế nào, lấy cái gậy đập tảng đá. Tảng đá
không nhúc nhích, nằm yên giữa dòng nước chảy quanh.
Quan huyện bảo bọn lính nậy tảng đá, khiêng về huyện.
Cái tin quan huyện xử tội tảng đá làm một người trượt chân đổ cả thúng
các thứ sắm Tết xuống suối đã dậy lên khắp huyện. Tò mò, ai cũng đến xem
quan lên án hòn đá thế nào.
Một chiếc nong được đặt chiếc cửa công đường. Muốn xem quan xử
kiện thì bỏ vào nong một tiền. Một đồng kẽm chẳng đáng bao, cả trăm mấy
trăm con người kéo vào đông nghịt trong sân huyện.
Trước công đường, lính dàn hàng ngang, cầm dao, đội nón thật oai
nghiêm.
Phía phòng trong đương có cuộc tra tấn. Tiếng roi quật đen đét, tiếng
quát tháo. Nhưng không nghe người bị đòn kêu khóc, van lạy, cái tên bị cáo
này gan quá. Lại có người nói: hay là hòn đá đương bị tra khảo, hòn đá gan
lỳ chẳng nói gì cả. Lại có người reo lên: đấy, đấy, đá nói đấy, nó đương vừa