Sớm hôm sau, lại một bữa điểm tâm. Xong rồi chủ nhà bảo chú lái dẫn
xuống thuyền cho xem hàng. Hàng chú lái mang đến không nhiều nhưng
toàn những thứ đắt giá mà Hạ Châu chưa có mấy khi. Mụ Lường khấp khởi
mừng thầm sắp được một món béo bở. Khách đưa xem hàng xong, đi dạo
phố về chủ nhà lại mở cuộc chè chén.
Mụ bảo:
– Chỗ hàng này tôi sẽ lấy hết. Bắt mối làm ăn với nhau còn về lâu về
dài, các ông đặt giá thế nào, tôi mua thế ấy, không phải mặc cả. Các ông
bằng lòng thì ngày mai tôi cho người xuống dỡ rồi trả tiền bằng vàng ngay
một lúc, thế có được không?
Chú lái càng mừng rơn, mọi cái đều quá cả ước mong. Tối ấy, tiệc nữa
rồi cả bọn lại nghỉ lại.
Nửa đêm, gia nhân nhà mụ Lường đem tượng Rùa Vàng xuống nậy cửa
khoang, bỏ tượng vào giữa những tấm lụa xếp trong vách thuyền.
Sáng ra, mọi người về, hẹn bà chủ chốc nữa xuống thuyền dỡ hàng.
Cả bọn đi được một quãng, ra đến bờ sông. Có tiếng gọi giật, quay lại
thấy mụ Lường đương hớt hải chạy theo. Bà chủ không ăn mặc diêm dúa
như mọi khi mà mụ xắn váy, chít lộn khăn, mặt đỏ tía tai, rõ ra mụ Lường
đáo để.
Mụ hét to:
– Nhà tôi mất trộm ông Rùa Thần Tài! Các người phải quay lại ngay.
Mọi người vội trở lại. Lên lầu, trong bàn thờ chỉ còn trơ cái mâm ngọc.
Mụ Lường mếu máo:
– Các người trả tôi Rùa Vàng!
Chú lái quả quyết:
– Tôi không lấy.
Rồi hỏi bọn gia nhân:
– Có đứa nào lấy trộm Rùa Vàng không?