Bọn khách đứng lại. Mụ Lường la hét gia nhân:
– Chúng bay vào công đường mời quan huyện ra bắt trộm!
Luật lệ ở Hạ Châu xưa nay xử kiện giống mọi đám trộm cướp khác,
như đã buộc tội sẵn chủ lái.
Bên mất của mà tìm thấy thì bên ăn trộm phải đền hết cơ nghiệp, bị làm
đầy tớ suốt đời. Bằng như không thì người đặt điều vu oan mất hết của và
cũng phải đi làm đầy tớ. Đấy là đặt ra làm vì thế.
Tuy lệ vẫn vậy, nhưng lão quan huyện già trước kia vụ nào cũng xử cho
mụ Lường được. Lão ấy đã chết năm ngoái, ông quan này khác. Mụ Lường
cũng chẳng lo lắng mảy may. Bởi thế nào cũng thấy pho tượng Rùa Vàng
dưới thuyền, chứng cớ chắc chắn thế.
Cả buổi lục trong thuyền không thấy tượng Rùa. Xét kỹ lưỡng lần nữa,
chỉ tìm được lót dưới buộc lụa mấy thỏi vàng thoi.
Mụ Lường thua kiện.
Cảnh khổ nhục bao nhiêu năm trước của những người bị cướp của điêu
đứng thế nào thì bây giờ mụ Lường chịu cả. Mụ phải giải xuống ở chuồng
trâu.
Vợ chú lái cho gọi hết kẻ ăn người ở trong nhà lại trước sân. Trông
ngay thấy người chồng hom hem gầy yếu đứng lom khom đằng xa. Nàng
chạy xuống.
Hai vợ chồng gặp nhau, nước mắt như mưa.
Vợ chồng bán hết gia tài mụ Lường. Được bao nhiêu chia đôi, một nửa
mua gạo phát chẩn cho người đói trong vùng. Một nửa đưa xuống thuyền
đem về quê.
Mụ Lường xấu hổ, nhảy xuống trầm mình chết ngoài bể. Hồn mụ nhập
vào con cá he. Con cá he suốt ngày nhào lên lặn xuống chỗ nước lợ cửa sông
cửa bể. Người đời bảo đấy là hồn mụ Lường tiếc của, đi tìm của.