thi thể bọc trong tấm poncho đi mưa của chính chủ nhân của nó vừa tử trận.
Đây là lần thứ ba trong tuần đại đội Hai bị sa bãi mìn. Tổng cộng tổn thất
khoảng ba mươi người trong đó bảy chết tại chỗ, nhiều người bị thương
nặng, cụt tay què chân hoặc mất bộ phận cơ thể khiến phải thương tật hay
tàn phế suốt đời. Cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân vừa qua làm lực
lượng Cộng Sản trả giá đắt khủng khiếp, vì thế, lúc này mọi vùng quê Nam
Việt Nam đều trở thành vùng đất cạm bẫy cùng một kiểu như nhau. Những
con đường khúc khuỷu dẫn vào chốn đồi núi hoặc lộng gió chạy xuyên qua
các xóm làng vùng ven biển giờ đây bị đối phương gài mìn bẫy dày đặc
hơn trước, khiến mức độ thương vong của liên quân đồng minh cao hơn
bình thường.
Dù hình ảnh chiến trận trên đường phố tại các thành thị lớn của Miền Nam
làm công chúng Hoa Kỳ choáng váng cực độ, con số tổn thất của bộ đội
Việt Cộng và cán binh Bắc Việt, tính cho tới lúc rút ra, lên tới ba chục ngàn
người thương vong. Trong số đó có mười lăm ngàn tử trận, đối chiếu với
con số tổn thất của binh sĩ Mỹ và Nam Việt Nam chỉ có khoảng mười ngàn
người thương vong trong đó số tử trận về phía Mỹ là ba trăm sáu mươi bảy,
phía VNCH là bảy trăm. Cơ sở nằm vùng của Việt Cộng tại Huế và miền
trung gần như bị phá vỡ toàn bộ. Cán bộ chính trị hiếm hoi sót lại không
dám ra mặt vận động quần chúng vì sợ gặp phản ứng ngược. Nhất là sau
khi người ta khai quật nhiều hầm chôn tập thể trong thành phố Huế và các
địa điểm phụ cận tại Phú Vang và vùng xa như Nam Đông với tổng số nạn
nhân được phát hiện lên tới khoảng ba ngàn người. Hậu quả về quân sự là
ngay sau khi chấm dứt cuộc tổng công kích, các đơn vị Cộng Sản kiệt quệ
phải quay về lối đánh du kích quen thuộc cũ. Họ tiếp tục chiến thuật lẩn
tránh và nghi binh trong vùng rừng rú và đồi núi. Thỉnh thoảng họ huy
động quân số và hỏa lực ít nhất cũng hơn gấp ba để tấn công một đồn trọng
điểm của VNCH nhưng cơ may thành công vẫn rất mong manh. Như vậy,
phía quân đội VNCH, Mỹ và đồng minh lại phải quay về phương pháp
“lùng và diệt” như cũ.