thác triệt để.
Đi bên cạnh Mark, thỉnh thoảng Joseph đưa mắt nhìn con, sẵn sàng nở nụ
cười thân thiện và khích lệ. Nhưng Mark vẫn tỏ vẻ hờ hửng đối với cha y
như từ lúc mới được phóng thích và giữ đầu thật thẳng, mắt ngó miệt mài
tới đằng trước. Thậm chí khi Joseph cố gợi chuyện bằng những nhận xét về
thời tiết hoặc cảnh tượng trên đường đi, Mark vẫn tiếp tục không chút ngó
ngàng tới cha.
Cùng với một nhóm nhỏ các đồng bào khác có quan hệ với những người đã
chết tại Việt Nam, Mark, Tempe và Joseph đi trong một phái đoàn đặc biệt,
ngay chính giữa nổi bật vóc dáng gầy guộc và mái tóc bạc phơ của Tiến sĩ
Y khoa Benjamin Spock. Ông là một bác sĩ lừng danh với cuốn sách bất hủ
về vấn đề chăm sóc ấu nhi với nội dung chỉ bảo cho nhiều thế hệ cách làm
thế nào nuôi dưỡng con thơ của họ.
Spock trở thành người chỉ trích nổi tiếng và đầy nhiệt tình cuộc chiến tranh
Việt Nam, một cuộc chiến lấy đi đời sống của hàng triệu thanh niên đã
được ông góp phần hướng dẫn vượt qua những nỗi nguy hiểm thời thơ ấu.
Lúc này, vào mùa thu năm 1969, đối với phong trào hoà bình, Spock bỗng
chốc trở thành nhân vật biểu tượng cho người cha và càng ngày càng lôi
cuốn vô số người biểu tình trẻ tuổi thuộc tầng lớp trung lưu da trắng. Ông
dẫn đầu “Cuộc Diễu Hành Chống Thần Chết” kể từ lúc trời chạng vạng tối
hôm qua, và đi không ngừng nghỉ xuyên qua thủ đô của quốc gia.
Bên phải hàng đầu của một đội hình đặc biệt đi kế nhóm của Joseph có một
nhà hoạt động người Việt. Ông tuổi khoảng bốn mươi lăm, màu da Á Đông
vàng nhạt, đầu tóc đen cắt khá ngắn với bộ mặt lanh lợi trên một thân mình
mảnh khảnh trong bọâ cà sa màu nâu sậm. Đó là nhà sư Thích Nhất Hạnh.
Chào đời tại một tỉnh phía bắc Huế, ông đặt chân vào thiền môn lúc bắt đầu
tuổi thanh niên, sau đó, nhanh chóng nổi bật nhờ những vận động nhập thế
và hiện đại hóa giáo hội. Ông là nhà văn, nhà thơ, giáo sư đại học, nhà hoạt
động xã hội và có hoài bão trở thành một thiền sư. Trong một bài thơ nổi
tiếng được phổ nhạc và hát trong những buổi sinh hoạt của thanh niên sinh
viên, ông bày tỏ hạnh nguyện tha thiết nhất của kiếp người là chết cho quê
hương và được cùng anh em đứng lên phất cao ngọn cờ nối liền nam bắc.