phải giữ nguyên vị trí, không thể đưa lên tiếp viện. Đối mặt với tình hình
quân sự vô vọng ấy, chính quyền lung lay của Nam Việt Nam đang sửa
soạn lễ tuyên thệ của tân tổng thống — vị tổng thống thứ hai trong khoảng
thời gian sáu ngày — với kỳ vọng mong manh rằng ông có thể chứng tỏ
mình đúng là người được Cộng Sản chấp nhận. Thế nhưng lời đồn đãi về
hành động đó đã lan tràn khắp đường phố và trong số những người biết tới
kỳ vọng đó, chỉ có vài ba người tin rằng cái trò liều lĩnh chính trị tuyệt
vọng và cầu may ấy sẽ cứu nổi thủ đô.
Suốt hai tuần lễ thứ ba và thứ tư trong tháng Tư, những người lãnh đạo Hà
Nội đã tăng cường lực lượng của họï và bố trí quân vào các vị trí một cách
ung dung và chậm rãi, để họ có đủ thời giờ hủy hoại thẩm quyền lãnh đạo
chính trị của Nam Việt Nam tới mức độ hoàn toàn không phục hồi nổi.
Trước đây khoảng mười ngày, để đảm bảo việc tổng thống Nguyễn Văn
Thiệu không đào thoát ra hải ngoại rồi thành lập chính phủ lưu vong hầu có
thể gây phương hại về sau cho sự kiểm soát tối hậu của Cộng Sản tại Miền
Nam, những người lãnh đạo Bắc Việt, qua các đại biểu của họ ở Trại Davis
trong Tân Sơn Nhứt, đã đưa ra lời gợi ý rằng họ có thể chấp nhận điều đình
và dàn xếp nếu Nguyễn Văn Thiệu chính thức từ chức tổng thống. Nhưng
sau khi dọn đường cho Hoa Kỳ ép được Nguyễn Văn Thiệu từ chức, họ lập
tức đưa ra đòi hỏi mới. Họ khăng khăng rằng nay tới lượt phải thay thế phó
tổng thống kế nhiệm Trần Văn Hương, kẻ chủ trương tử thủ Sài Gòn tới
giọt máu cuối cùng bằng một khuôn mặt khác. Và từ Hà Nội, họ nêu đích
danh Dương Văn Minh. Ông là một vị đại tướng tự nhận là lãnh tụ của lực
lượng thứ ba, chủ trương hòa giải và hòa hợp với Cộng Sản và được
Thượng tọa Thích Trí Quang xem là một nhân vật, với sự hỗ trợ của Phật
giáo Ấn Quang, có tư thế và khả năng thương thuyết với Cộng Sản về một
cuộc ngừng bắn song phương. Vì sự đòi hỏi đó dường như đưa tới niềm hy
vọng mong manh là có thể ngăn được việc Sài Gòn bị hoàn toàn tàn phá
nên người Nam Việt Nam phải vội vàng đồng ý. Để việc chuyển giao chức
vụ tổng thống cho Dương Văn Minh được hợp hiến, quốc hội đành phải
họp khoáng đại lưỡng viện, biểu quyết trao cho Trần Văn Hương toàn
quyền chọn người kế vị.