TRANG TRẠI HOA HỒNG - Trang 26

trước, chết lâu rồi”. Cha tôi bảo người đàn ông lạ mặt.

Dưới ánh trăng mờ ảo, tôi nhìn rõ cha tôi rút ra từ trong túi áo khoác

chiếc ví, ông dúi vào tay kẻ lạ mặt một xấp tiền.

Tám năm sau, tôi đã là một kỹ sư ra trường về lại trại Đầm Vịt, mở

công ty riêng. Nhiều lần tôi về lại làng Lôi để khảo sát mua hàng mây tre ở
vùng này, xuất khẩu sang thị trường Đông Âu. Nhân lúc rảnh rỗi, tôi hỏi
thăm người làng mới hay, người có tên là Ca, trông coi nghĩa địa của làng
cũng đã chết. Phần việc trông coi mồ mả đã được giao cho một người khác.
Gia đình nhà Ca chỉ còn sót lại một người con gái hơn tôi vài tuổi, “hơi dở
người”, vẫn chưa có chồng, sống nghèo khó, chuyên đi cấy thuê, cuốc cỏ,
đan lát thuê cho cả làng. Tôi đã tìm gặp người con riêng của lão Ca, chính
là cô Thoa bây giờ. Ngày trở về Nam, tôi đã dắt theo Thoa. Mười mấy năm
nay, cô Thoa đã trở thành một phần trong gia đình nhỏ bé của tôi, chăm lo
việc cơm nước, cai quản việc nhà.

Những lúc rảnh rỗi, tôi hay tẩn mẩn giở từng cuốn sổ của cha tôi để

lại. Tình cờ tôi được đọc những dòng này của ông ghi câu chuyện hai cha
con ngày về làng Lôi.

“Gần hai mươi năm mới trở về quê. Dòng sông Hồng và bến phà T.Đ

còn đó. Chỉ muốn khóc. Sợ cậu lái xe và con gái cười. Lòng đau quặn thắt.
Cả đời, Hương Giang ao ước một lần về Hà Nội, về thăm quê vậy mà
không được…Có người lính nào như ta, về lại cố hương trong cảnh trớ trêu
này…Ca nào đây ta? Nhớ ra rồi. Thằng Ca làm lính giữ B40 của trung đội
cậu Toan B2. Nó đã gặp ta ở Ninh Hòa vào cái ngày cuối tháng 3 năm
1975.Chỉ một câu nói của mi mà làm ông khổ…Khốn nạn thân thằng Ca
sao bây giờ đổ đốn ra nông nỗi này!”.

Đoạn viết ấy, cha tôi ghi ở tập sách thứ năm theo cách đánh số thứ tự

của ông. Kẻ mang tên là Ca ấy, tôi còn được đọc một vài lần nữa trong tập
ghi chép của cha tôi. Thời điểm ấy, cha tôi bị đưa đi trại cải tạo ở Ngân
Điền. Bà nội tôi ngày còn sống thi thoảng cũng một đôi lần kể chuyện làng
quê với mẹ tôi có nhắc đến người tên là Ca. Đã bao năm, tôi vẫn không
quên câu chửi của bà. “- Tiên nhân bố nó! Đồ bất nhân bất nghĩa làm đời
con trai bà khổ! Ông giời quả báo con ạ”.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.