TRANG TỬ NAM HOA KINH - Trang 132

Trang Tử và Nam Hoa Kinh

Nguyễn Hiến Lê

Tạo Ebook:

Nguyễn Kim Vỹ

Nguồn truyện: vnthuquan.net

Hơn nữa, mọi vật đều biến thiên, một việc lúc này cho là khổ, lúc khác lại cho là vui, lúc này cho là

phải, lúc khác cho là trái. Nàng Lệ Cơ khi phải xa cha mẹ thì khóc mướt, nhưng về nhà chồng rồi, lại

thấy sung sướng mà ân hận rằng trước kia đã khóc. Cho nên chỉ người phàm mới lao khổ vì thị phi,

còn thánh nhân thì đạt được cái tinh khiết của cái “nhất” nó bao quát được mọi biến hoá của mọi

thời và mọi vật. Cái “nhất” đó là Đạo (bài 11).

Vì luật biến hoá đó mà sống cũng là chết, chết cũng là sống (bài 3), mộng cũng có thể là thực mà

thực cũng có thể là mộng. Ai mà biết được Trang Chu mộng thấy mình hoá bướm hay bướm mộng

thấy nó hoá Trang Chu (bài 15). Trong bài 11, Trường Ngô tử bảo bạn là Cồ Thước tử: đời chỉ là

giấc mộng lớn; Khổng tử khi giảng đạo lí, là nằm mộng, Cồ Thước tử nhắc lại lời của Khổng tử

cũng là nằm mộng, mà Trường Ngô tử khi bảo hai người trên là nằm mộng thì chính mình cũng là

nằm mộng nốt nữa.

Vậy là cơ hồ như Trang tử chủ trương tuyệt đối hoài nghi, tuyệt đối vô vi: đã không có gì là phải, là

trái thì cũng chẳng cần phải làm gì cả?

Đọc lại câu cuối bài 5, chúng ta thấy không hoàn toàn như vậy:

“Cho nên thánh nhân dung hoà, coi thị phi là một, mà theo luật tự nhiên. Như vậy gọi là „lưỡng

hành‟”. Nghĩa là phải hay trái, tuỳ theo hoàn cảnh, mà mình phải thích nghi với hoàn cảnh.

Bài 4 ông còn nói rõ hơn:

“…Thánh nhân bỏ thành kiến đi để theo lẽ trung dung”.

Nhưng vậy là Trang cũng nhận có một thái độ “phải”, thái độ đó là vượt lên trên quan niệm “thị

phi” của người đời, tuỳ hoàn cảnh mà tìm cái “thị” trong cái “phi”, cái “phi” trong cái “thị”. Có

thể gọi thái độ đó là “siêu thị phi”, là dung hoà, gần gần như thuyết “trung dung” của Khổng tử. Đó

là một điểm đặc biệt trong triết lí Trung Hoa: hai triết hệ lớn của họ, Khổng và Lão đều có tinh thần

dung hoà; nhận rằng mọi thuyết, mọi vật có thể cùng hoạt động (tịnh hành) mà không trở ngại nhau:

“Xưa mười mặt trời cùng xuất hiện, chiếu sáng vạn vật. Sự chiếu sáng của đạo đức không hơn sự

chiếu sáng của mặt trời ư? (bài 9).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.