- Tôi sẽ hiểu công việc của các vị đúng lúc, nhưng có một châm ngôn đích
thực của London truyền lại rằng, mọi thứ đều có thể có bằng tiền, nên ban đầu
tôi hơi bối rối vì sự tồn tại vững chắc những tập quán của các vị. Tuy nhiên,
ngày mai tôi phải lấy được cây đàn hạc của tôi. Henry với bản tính đôn hậu, đã
gợi ý sẽ chở nó bằng xe ngựa bốn bánh của anh ấy. Nó sẽ được vận chuyển
bằng cách ấy chẳng vinh dự lắm sao?
Edmund nói đàn hạc là thứ nhạc cụ ưa thích của cậu, và mong sớm được
nghe cô dạo đàn. Fanny chưa bao giờ được nghe đàn hạc nên càng mong ước
thiết tha hơn.
- Tôi sẽ rất vui được chơi cho cả hai người nghe, - cô Crawford nói, - miễn
là các vị muốn nghe. Chắc là lâu đấy, vì tôi yêu âm nhạc nồng nàn, và ở nơi
nào có sở thích tự nhiên như nhau, người chơi ắt phải hay nhất vì người đó tỏ
lòng cảm kích bằng nhiều cách hơn là một. Giờ thì, thưa công tử Bertram, nếu
anh viết thư cho anh trai tôi, tôi khẩn khoản xin anh thuật lại cho anh ấy biết
cây đàn hạc của tôi sắp tới, vì anh ấy đã nghe nhiều về nỗi khổ sở của tôi rồi.
Nếu vui lòng, anh có thể nói tôi sẽ chuẩn bị những khúc nhạc ai oán nhất dành
cho chuyến trở về của anh ấy, hết sức cảm thông với những tình cảm của anh
ấy vì tôi biết con ngựa của anh ấy đã không còn nữa.
-Nếu tôi viết, tôi sẽ nói bất cứ điều gì cô muốn, nhưng lúc này tôi chưa thấy
có cơ hội nào để viết.
-Tôi dám chắc là nếu anh ấy có đi xa một năm, anh cũng không viết thư cho
anh ấy và anh ấy cũng không viết cho anh, nếu có việc chẳng đừng. Cơ hội
chẳng bao giờ đoán trước được. Các anh là những con người kỳ lạ thật! Các
anh không viết cho nhau nếu không có sự giục giã khẩn thiết nhất trên đời; lúc
bắt buộc phải cầm bút để báo những tin như một con ngựa bị ốm hoặc một
người họ hàng qua đời, thì lại viết quấy quá mấy dòng cho xong. Các anh chỉ
có một kiểu như thế. Tôi thừa biết rồi. Henry là người đáng kính về mọi mặt
mà một người anh cần có, anh ấy yêu quý tôi, hỏi ý kiến tôi, giãi bày tâm sự
với tôi, và trò chuyện với tôi hàng giờ, lại không bao giờ chịu biến tờ giấy