TÍNH ĐA DẠNG CỦA TRẬT TỰ THẾ GIỚI
K
hông một “trật tự thế giới” mang tính toàn cầu đích thực nào đã từng
tồn tại. Những gì tạo nên trật tự trong thời đại chúng ta đã được lập ra ở
Tây Âu gần bốn thế kỷ trước đây ở Westphalia của Đức, tại một hội nghị
hòa bình được tổ chức mà hầu hết các châu lục hoặc các nền văn minh khác
đã không được tham gia hay thậm chí là không biết gì về nó. Một thế kỷ
xung đột giáo phái và biến động chính trị trên khắp Trung Âu đã lên đến
đỉnh điểm với cuộc Chiến tranh Ba mươi năm
(1618-1948) – một đại họa
trong đó có cả những tranh chấp chính trị và tôn giáo, các bên tham chiến
phải viện đến “chiến tranh tổng lực” để chống lại những trung tâm dân số;
gần một phần tư dân số của Trung Âu chết vì chiến tranh, bệnh tật hoặc nạn
đói. Các bên tham chiến kiệt quệ, gặp nhau để xác định một loạt các thỏa
thuận nhằm ngăn chặn sự đổ máu. Sự thống nhất tôn giáo đã bị rạn nứt với
việc Tin Lành sống sót và lan rộng; đa nguyên chính trị trở thành thuộc tính
của một số thực thể chính trị độc lập đã chiến đấu tới kỳ cùng. Vì vậy, ngay
tại châu Âu, những tình trạng của thế giới đương đại là gần như tương
đồng: nhiều thực thể chính trị khác nhau cùng tồn tại, không cái nào đủ
mạnh để đánh bại tất cả những cái khác, nhiều thực thể tuân theo những
triết lý và thông lệ mâu thuẫn, tìm kiếm những quy tắc trung lập để điều
chỉnh hành vi của họ và giảm thiểu xung đột.
Hòa ước Westphalia
phản ánh một quá trình điều chỉnh thực dụng
theo sát với thực tế, chứ chẳng phải một sự thấu thị về đạo đức đặc biệt
nào. Nó dựa trên một hệ thống các quốc gia độc lập cố gắng hạn chế can
thiệp vào công việc nội bộ lẫn nhau và kiểm soát tham vọng của nhau
thông qua một trạng thái cân bằng chung về quyền lực. Trước đó, trong các
trận giao tranh ở châu Âu, chưa hề có bất kỳ tuyên bố khẳng định chân lý