Khi cuốn sách này được viết, trong số tất cả những khái niệm về trật
tự trên, các nguyên tắc của Hòa ước Westphalia là cơ sở chung duy nhất
được thừa nhận của một trật tự thế giới đang tồn tại. Hệ thống theo Hòa
ước Westphalia lan rộng trên toàn thế giới như là khuôn mẫu cho một trật
tự quốc tế dựa trên nền tảng các quốc gia có chủ quyền trải dài qua nhiều
nền văn minh và khu vực, vì khi các quốc gia châu Âu mở rộng, họ mang
theo bản thiết kế trật tự quốc tế của mình. Trong khi các quốc gia châu Âu
đó thường phớt lờ việc áp dụng khái niệm chủ quyền đối với các thuộc địa
và các dân tộc thuộc địa, thì các dân tộc này bắt đầu đấu tranh giành lại nền
độc lập, dưới danh nghĩa các khái niệm trong Hòa ước Westphalia. Các
nguyên tắc độc lập dân tộc, vị thế quốc gia độc lập có chủ quyền, lợi ích
quốc gia, không can thiệp [vào công việc nội bộ của nhau] tỏ ra là những
lập luận hiệu quả chống lại các nước thực dân trong những cuộc đấu tranh
giành độc lập và bảo vệ cho các quốc gia mới được thành lập của họ từ đó
về sau.
Hệ thống theo Hòa ước Westphalia toàn cầu hiện nay – theo thông lệ
được gọi là cộng đồng thế giới – đã nỗ lực hạn chế tính chất vô chính phủ
của thế giới bằng một mạng lưới rộng lớn các cơ cấu pháp lý và tổ chức
quốc tế được thiết kế nhằm thúc đẩy thương mại mở cửa và một hệ thống
tài chính quốc tế ổn định, thiết lập những nguyên tắc được chấp nhận về
giải quyết các tranh chấp quốc tế và đặt ra giới hạn đối với việc tiến hành
chiến tranh khi chúng xảy ra trên thực tế. Hệ thống những quốc gia này
hiện nay bao gồm tất cả các khu vực và nền văn hóa. Các thể chế của nó đã
mang lại khuôn mẫu trung lập cho sự tương tác giữa các xã hội đa dạng,
hầu như độc lập với các giá trị tương ứng của chúng.
Tuy nhiên, các nguyên tắc của Hòa ước Westphalia đang bị thách thức
trên tất cả các phương diện, đôi khi cũng dưới chính danh nghĩa trật tự thế
giới. Châu Âu đã bắt đầu từ bỏ hệ thống quốc gia có chủ quyền mà nó thiết
kế và vượt qua các giới hạn của hệ thống này bằng khái niệm chủ quyền
chung. Và nghịch lý thay, mặc dù châu Âu đã thiết kế khái niệm cân-bằng-
quyền-lực, nhưng nó đã chủ tâm và quyết liệt hạn chế yếu tố quyền lực
trong các tổ chức mới của mình. Do đã hạ cấp năng lực quân sự của mình,