chúng xảy ra sẽ chỉ như những điều chỉnh nằm trong trật tự hiện tại chứ
không trở thành những thách thức căn bản đối với trật tự này. Một sự cân
bằng giữa các lực lượng không tự nó bảo đảm hòa bình, nhưng nếu được
xây dựng và áp dụng triệt để, có thể giới hạn phạm vi và tần suất của những
thách thức căn bản và hạn chế cơ hội thành công của những thách thức này
khi chúng thực sự xảy ra.
Không một cuốn sách nào có thể hy vọng đề cập mọi cách tiếp cận
lịch sử đối với trật tự quốc tế hay mọi quốc gia hiện đang chủ động định
hình các vấn đề thế giới. Cuốn sách này chỉ cố gắng đề cập những khu vực
mà khái niệm trật tự của chúng đã định hình hầu hết quá trình phát triển của
kỷ nguyên hiện đại.
Sự cân bằng giữa tính chính danh và quyền lực là vô cùng phức tạp;
khu vực địa lý mà sự cân bằng này được áp dụng càng nhỏ và niềm tin văn
hóa bên trong khu vực địa lý đó càng gắn kết, thì càng dễ dàng đạt được
một sự đồng thuận hoàn toàn khả thi. Nhưng trong thế giới hiện đại hôm
nay, cần có một trật tự thế giới toàn cầu. Việc sắp xếp các chủ thể không
liên quan về lịch sử hay các giá trị (ngoại trừ việc các chủ thể này chỉ gần
nhau về mặt địa lý) và về căn bản tự xác định bởi giới hạn năng lực của
mình có nguy cơ sẽ gây ra xung đột chứ không phải trật tự.
Năm 1971, trong chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của tôi nhằm tái lập
quan hệ với Trung Quốc sau hai thập kỷ thù địch, tôi đã đề cập vấn đề này,
rằng với phái đoàn Mỹ, Trung Quốc là một “vùng đất bí ẩn.” Thủ tướng
Chu Ân Lai trả lời: “Các anh sẽ thấy Trung Quốc không hề bí ẩn. Khi các
anh đã trở nên quen thuộc với nó, nó sẽ không có vẻ rất bí ẩn như trước.”
Theo quan sát của ông, có 900 triệu người Trung Quốc và họ dường như có
cuộc sống bình thường như ai. Trong thời đại chúng ta, cuộc tìm kiếm trật
tự thế giới sẽ đòi hỏi phải đưa tới nhận thức về những xã hội mà trên thực
tế phần lớn bị khép kín. Bí ẩn cần giải mã ở đây là bí ẩn mà mọi dân tộc
cùng chia sẻ: những kinh nghiệm và giá trị lịch sử đa dạng có thể được định
hình trong một trật tự chung như thế nào.