huống chạm trán với một cường quốc khác có thể gây những tổn hại cho
chính mình (ví dụ đối với Trung Quốc), hoặc sẽ tìm kiếm một giải pháp rút
lui chứ không đi đến tận cùng (trường hợp chiến tranh Triều Tiên, Việt
Nam, Afghanistan), hoặc sử dụng cách nói nước đôi không nhắm trực tiếp
tới một nước thứ ba mà chỉ nhân danh luân lý và luật pháp quốc tế (trường
hợp Biển Đông). Một quốc gia nào đó, nếu đặt niềm tin hoàn toàn vào sự
trợ giúp từ Mỹ như những gì nước này nói, có thể sẽ nhanh chóng đi đến sự
chờ đợi hoài công vì cuối cùng không nhận được những gì cụ thể mà mình
đang mong muốn.
Mô hình theo Hòa ước Westphalia có thể phù hợp với lịch sử và địa lý
của phương Tây, và qua thời gian, nó được bồi đắp và định hình dần như là
một trật tự thế giới. Tuy nhiên với các quốc gia ở Trung Đông và châu Á,
vốn có một lịch sử lâu đời và vị trí riêng, lại không cho là như vậy. Các
quốc gia này muốn một luật chơi riêng, hoặc ít nhất là phải được tham gia
vào hình thành luật chơi chứ không phải chỉ thực hiện luật chơi do phương
Tây tạo ra. Một số quốc gia trong số này, từ quá khứ đến hiện tại, ít nhiều
đều tự coi mình là trung tâm của thế giới hay một phần đáng kể của thế
giới, điều mà sẽ cho phép mình có quyền tạo ra hoặc tham gia tạo ra cách
chơi.
Trung Đông, nơi tồn tại của một thế giới Hồi giáo rộng mênh mông, tự
cho rằng phần còn lại phi Hồi giáo của hành tinh này trước sau cũng gia
nhập vào một vương cung thánh đường Hồi giáo nhất thể, nơi được thống
trị bởi Sultan, vua của các vị vua, đấng cai trị của những kẻ cai trị, người
duy nhất có quyền ban phát chức tước cho những vị vua ở các quốc gia
khác. Hồi giáo chia thế giới thành hai, một bên là thế giới Hồi giáo, bên kia
là phi Hồi giáo, và nhiệm vụ của thế giới Hồi giáo là biến phần còn lại
thành thế giới Hồi giáo trong một sứ mệnh jihad (thánh chiến).
Cách nhìn trật tự thế giới của họ coi Hồi giáo có thiên mệnh bành
trướng khắp ‘vương quốc chiến tranh’ như họ gọi tất cả các vùng đất do
dân vô thần cư trú, cho đến khi cả thế giới là một hệ thống đơn nhất, không
thể chia tách, được lời phán truyền của Đấng tiên tri Muhammad làm cho
hài hòa.