Ông Đỗ chẳng quan tâm gì đến tôi, thậm chí là nổi cáu với tôi, nguyên
nhân cơ bản là từ bát xào ấy mà ra. Tôi hoàn toàn hiểu được tâm lý của ông
ta. Ông ta kéo con Song Tích đến bên một gốc cây hòe cao lớn, buộc đầu dây
thừng vào một cành cây cao hơn với tay. Để đề phòng Song Tích nằm xuống,
ông ta thu dây thừng lại còn rất ngắn khiến cổ Song Tích lúc nào cũng phải
ngẩng lên, chẳng khác nào nó đang bị treo lơ lửng trên cành cây. Tôi thầm
khâm phục sự thông minh của ông ta. Một cách thức đơn giản như vậy tại sao
tôi lại nghĩ không ra nhỉ? Tôi bắt chước làm theo, buộc dây thừng của hai con
Lỗ Tây vào cành một cây hòe khác. Tôi đã giành được tự do! Tôi nói:
- Ông Đỗ à, ông thật thông minh!
Ngồi trên triền dốc con đê, ông Đỗ lạnh lùng nói:
- Trí óc tao thông minh thật nhưng làm sao bì được với đầu óc của lão
gia?
- Ông Đỗ, tôi mới mười bốn tuổi, sao ông lại gọi tôi là lão gia? - Tôi hỏi.
- Không gọi mày là lão gia thì lão đây còn dám gọi ai là lão gia nữa? Lẽ
nào lão đây xứng đáng được gọi là lão gia? Nếu lão đáng được gọi là lão gia
thì tại sao một miếng nhỏ dái trâu cũng không lọt được vào mồm. Còn mày
không phải là lão gia thì mẹ nó chứ, tại sao mày lại ăn được cả một bát đầy?
Đó mà gọi là đạo lý à? Đời này sao lắm chuyện bất công ngang trái thế?
Để ông ta bớt mủi lòng, tôi đành phải nói dối:
- Ông Đỗ à, ông tưởng tôi ăn được một bát đầy dái trâu sao? Tôi chỉ
thuận mồm nói phét để chọc mọi người thôi!
- Mày không được ăn thật à? - Ông Đỗ kêu lên, vừa kinh ngạc vừa vui
vẻ.
- Sao ông không chịu nghĩ mà xem, chú Mặt Rỗ của tôi có khác nào một
con sói đói, lão đồng chí Đổng cũng chẳng khác nào một con hổ dữ, đừng nói