bụng. Cảm giác của tôi lúc này là, trong khi mọi người đang không có gì để
cho vào miệng, tôi vẫn còn giấu kín được một bát thịt ngon, nhưng lúc này rõ
ràng là tôi không thể nhai được. Tôi xích lại gần ông Đỗ, nói:
- Ông Đỗ ơi! Ông cho cháu hút thuốc với!
- Thằng oắt con hỉ mũi chưa sạch mày đòi hút thuốc làm gì?
- Vừa rồi ông gọi cháu là lão gia, tại sao chỉ chớp mắt lại gọi cháu là đồ
oắt con hỉ mũi chưa sạch?
- Vừa rồi là vừa rồi, bây giờ là bây giờ. Con người ấy à, người ta chỉ
có thể nói những lời như thế này trong một lúc nhất định nào đó thôi - Ông
ta gõ gõ chiếc tẩu vào đế giày, giọng đã bộc lộ sự bất bình - Lùi lại hai
mươi năm trước, đừng nói là mấy hòn dái trâu tanh tưởi mà ngay cả một
mâm thịt lợn thơm lừng đặt ở trước mặt, tao cũng không thèm liếc mắt.
- Ông Đỗ, ông lại bắt đầu bốc phét rồi - Tôi nói.
- Trước mặt thằng oắt con mày, tao bốc phét làm quái gì? - Ông Đỗ nói -
Tao nói cho mày nghe nhé, lúc ấy, mỗi khi chợ phiên Mã Tang họp, bố tao
mua ít nhất cũng đến năm cân thịt. Ngày ấy cân đúng năm cân, so với bây giờ
phải hơn bảy cân. Nếu lần nào không mua thịt thì ông mua cá, nào cá chép,
cá hoa vàng, cá đầu đen đủ loại… Ngày ấy, chợ cá ở thị trấn Mã Tang dài đến
hai cây số. Đúng mùa hoa hòe nở là cá hố biển tràn ngập chợ, hai bên đường
trắng loa lóa, sáng lóa đến độ người đi đường không dám mở mắt. Tôm cũng
lớn lắm, cứ hai con được buộc chung vào một chiếc lạt trúc, hai con là nửa ký
lô, nửa ký tôm chỉ có hai xu tiền đồng. Lúc ấy, chỉ cần cái miệng muốn ăn cái
gì là có cái nấy, chỉ cần anh có tiền. Bây giờ cho dù có tiền cũng chẳng biết
mò đâu ra những con tôm lớn đến như vậy, những con cá hố dày súc đến như
thế. Ôi! Những thức ngon ấy đã chạy đi đằng nào rồi nhỉ? Chúng đã chui vào
miệng những loại người nào nhỉ? Thằng rể nhà tao bảo rằng, của ấy đều đã
đem xuất khẩu, mày nói đi, người Trung Quốc chúng ta ngu quá phải không?
Đồ ngon thì không giữ mà ăn, xuất khẩu làm quái gì? Xuất khẩu là để kiếm