chịt xốc nách tôi đứng lên: La Hán! - Ông ấy gọi tên tôi - Mày ở đây làm gì?
Đầu mày tại sao lại bị thương? Trông bộ dạng mày kìa, đẹp mặt chưa! Mẹ
mày gào khản cổ họng, cả thế giới đều nghe tên mày, mày lại ở đây làm trò
quỷ. Cút xéo, về nhà ngay!
Đứng dưới nắng chiều lấp lóa, tôi cảm thấy đầu mình hơi choáng nhưng
vẫn nghe rõ tiếng quát của chú Mặt Rỗ:
- Rửa sạch bùn và máu trên người đi!
Nghe lời chú, tôi đứng trên bờ ao khoát nước rửa mặt mũi tay chân.
Nước lạnh thấm vào vết thương trên đầu, hơi rát nhưng không đau lắm. Lúc
ấy, ông Đỗ - người chuyên chăm sóc trâu của đội sản xuất dắt ba con trâu đi
đến và thì thào với chúng: Trâu ơi, đi thôi! Sợ cũng chẳng tránh được đâu.
Đời trâu chúng mày chạy đằng trời cũng không thoát chuyện bị thiến!
Ba con trâu này đều chưa xỏ mũi, đang ngẩng cao đầu trong nắng cưỡng
lại sợi dây buộc trên sừng nối với tay ông Đỗ. Chúng đều là bạn tôi. Những
ngày mùa đông thức ăn khan hiếm của năm ngoái, tôi và ông Đỗ thường dắt
chúng thả rông trên những đồng cỏ đã bị vùi trong tuyết. Giống như những
con trâu được sinh ra trên vùng tuyết phủ chiếm một nửa thời gian trong năm,
chúng đã học được cách dùng chân cào tuyết để kiếm những cọng cỏ vàng úa
bị vùi lấp trong đó từ loài trâu Mông Cổ. Lúc ấy chúng còn bé lắm, không
ngờ chỉ không đầy một năm mà chúng đã lớn đến ngần này. Tất cả đều là trâu
đực, trong đó có hai con gốc loài trâu Lỗ Tây giống nhau như hai anh em
sinh đôi, đều có bộ lông vàng và chiếc mõm trắng. Còn con có màu lông đỏ
rực như lửa kia là kết quả của sự phối giống giữa con trâu nái Mông Cổ có
chiếc đuôi cong vẹo và trâu đực bản địa, trên lưng có hai đường gờ nhô lên
trông như hai chiếc sống lưng, tôi đặt tên cho nó là Song Tích. Song Tích rất
lưu manh, mùa đông năm ngoái, lúc gặm cỏ bên bờ sông, nó cứ lì lợm trèo
lên lưng con trâu nái Mông Cổ mẹ nó. Ông Đỗ rất khinh thường Song Tích,
cho rằng nó trèo lên lưng mẹ chẳng qua là trò đùa vui, nhưng ngay lập tức