thoảng mới có chen một vài cây hòe. Trên những vòm cây bạch dương có rất
nhiều loại sâu mà người vùng tôi gọi là “quỷ treo” dài ngoẵng, bám vào
những cành cây mềm mại đung đưa trong gió. Ruộng lúa mạch hai bên
đường đang thời kỳ đơm bông, có thể ngửi thấy trong không khí một mùi
thơm dìu dịu. Một bức họa thật tuyệt vời! Nhưng toàn thân tôi đang đau nhức
rã rời, mắt tôi hoa, đầu tôi choáng, trước mắt như có một màu đen sẵn sàng
phủ xuống, cổ họng vừa khô vừa đắng, chân đau… Nhưng tôi biết, những
điều đang hành hạ tôi vừa kể trên không thấm tháp gì so với những chịu đựng
của Song Tích. Những gì nó đang chịu đựng kể ra phải cao hơn cả trời xanh,
dày hơn cả đất vàng. Đầu nó không thể không đau không choáng, suy cho
cùng thì bốn năm đêm vừa rồi chúng tôi ít nhiều có chợp mắt được một tí,
nhưng Song Tích chắc chắn là không thể ngủ. Lúc này tôi đã nghĩ ra rồi,
không cho những con trâu mới thiến nằm xuống rõ ràng là quá sức vô lý.
Đừng nói là một con trâu bị thiến, một con trâu lành lặn mà bị buộc phải
đứng một chỗ hoặc đi đi lại lại bốn ngày bốn đêm quả là một cực hình tàn
khốc nhất thế gian này. Đằng này nó đã bị cực hình, mất máu, lại bị viêm
nhiễm sưng tấy lên… Chân của nó đã sưng, máu trong người nó đã thiếu, bìu
dái của nó lại đang chứa những chất dịch thối hoắc cương lên như một quả
bóng… So với Song Tích, chút khổ mà tôi đã trải qua cũng chỉ là một cọng
lông chim hồng. Ông Đỗ có chịu đựng nổi không? Xem ra thì ông ta cũng
chẳng hơn tôi là mấy. Ông ta đã sáu mươi tám tuổi! Thời ấy, người sống đến
sáu tám đã được xem là người cao tuổi. Ý của tôi là, tuyệt đại các bộ phận
trên thân thể của ông Đỗ đã bị bụi vàng vùi lấp rồi. Răng ông ấy đã rụng gần
hết, chỉ còn chơ vơ hai chiếc răng nanh to tướng đen sì. Hai chiếc răng này
như cố níu kéo chút thanh xuân cho gương mặt ông ta, bởi hai chiếc răng này
khiến mặt ông ta gần giống với mặt thỏ, mà thỏ thì cho dù có bao nhiêu tuổi
cũng nhanh nhẹn hoạt bát và hiếu động, mà nhanh nhẹn hoạt bát và hiếu
động là biểu hiện của tuổi thanh xuân…