Khi chiếc loa phóng thanh của công xã đang phát bài “Quốc tế ca” cũng
là lúc chúng tôi dừng chân trước cổng trạm thú y. Bảy giờ đúng, loa truyền
thanh công xã bắt đầu phát chương trình ban đêm, đầu tiên là phát bài “Đông
phương hồng”, sau “Đông phương hồng” sẽ là dự báo những nội dung chính
của chương trình phát thanh, kế tiếp sẽ là chương trình thời sự trong nước và
quốc tế, tiếp theo là thời sự địa phương, sau thời sự địa phương thường là
một vở kịch ngắn, tiếp theo là dự báo thời tiết, tiết mục cuối cùng là bài
“Quốc tế ca”. Sau bài “Quốc tế ca” sẽ là câu nói muôn đời: Các đồng chí bần
hạ trung nông thân mến, chương trình phát thanh hôm nay đến đây là chấm
dứt. Xin hẹn gặp lại trong chương trình phát thanh cũng vào giờ này tối ngày
mai! Tạm biệt. Nghe hết câu nói này thì biết chính xác là chín giờ ba mươi,
không sai một phút. Chúng tôi vừa đứng yên trước cổng trạm thú y thì cô
phát thanh viên cũng vừa nói “Tạm biệt” với chúng tôi. Ông Đỗ nói:
- Thế mà đã chín rưỡi rồi!
Tôi ngáp dài nói:
- Ở nhà, chỉ cần phát xong “Quốc tế ca” là tôi đã ngủ khì rồi!
- Có lẽ đêm nay không thể ngủ được đâu, chúng ta phải tìm lão Đổng
gấp để tiêm cho Song Tích, tiêm xong thì mới yên tâm được - Ông Đỗ nói.
Cánh cổng sắt của trạm thú y đóng im ỉm. Ghé mắt nhìn qua kẽ hở giữa
hai cánh cổng có thể trông thấy bên trong. Trong sân có một chiếc giá gỗ cao
ngất, hình như là có một cái giếng. Bên cạnh giếng là một vạt đất rộng, trên
đó những loài cây tạp đang chen chúc um tùm. Một con chó đang hướng ra
cổng sủa oang oang. Căn nhà thấp tè tối đen, chẳng trông thấy gì.
- Ông ơi, chúng ta tìm lão đồng chí Đổng ở đâu hả ông? - Tôi hỏi.
- Lão đồng chí Đổng nhất định là ở trong nhà.
- Chẳng có đèn có đóm gì hết!
- Không còn đèn có nghĩa là đã ngủ rồi!