Nhưng họ rất kích động khi phát hiện ra cả hai đều có mặt ở Quảng
trường Trafalgar vào cùng một thời điểm năm 1959, cùng với hai mươi
ngàn người khác, tất cả đều kiên quyết đòi cấm bom hạt nhân.
*
Họ không gặp nhau cho tới khi những khóa học ở London kết thúc, khi
mỗi người bị cuốn trở lại ngôi nhà của gia đình mình với sự tĩnh lặng thời
thơ ấu để chịu đựng một hay hai tuần nóng nực và buồn tẻ, chờ kết quả thi.
Sau này, chính đây là điều khiến họ ngạc nhiên nhất - cuộc gặp gỡ có thể dễ
dàng không xảy ra làm sao. Đối với Edward, cái ngày cụ thể đó có thể đã
trôi qua giống như hầu hết mọi ngày khác - lui về phía cuối khu vườn hẹp,
ngồi trên chiếc ghế phủ đầy rêu trong bóng râm cây du lớn, đọc sách và
tránh xa tầm tay mẹ anh. Cách đó năm mươi thước, khuôn mặt bà, nhợt
nhạt và không rõ nét, giống như một trong những bức tranh màu nước của
bà, sẽ xuất hiện ở khung cửa sổ phòng bếp hoặc phòng khách mỗi lần
khoảng hai mươi phút, chăm chú theo dõi anh. Anh cố lờ bà đi, nhưng cái
nhìn ấy vẫn như bàn tay bà đặt lên vai hoặc lưng anh. Rồi sau đó anh nghe
thấy tiếng bà chơi đàn piano ở tầng trên, vấp váp đánh một bản từ Sổ ghi
nhạc cho Anna Magdalena, bản nhạc cổ điển duy nhất anh biết hồi đó. Nửa
tiếng sau chắc bà sẽ lại xuống cửa sổ, lại chăm chú nhìn anh lần nữa. Bà
không bao giờ ra nói chuyện nếu nhìn thấy anh đang cầm sách. Từ nhiều
năm trước, khi Edward vẫn còn đi học, bố anh đã kiên nhẫn luyện cho bà
không bao giờ được cắt ngang việc học của con trai.
Mùa hè đó, sau những kỳ thi cuối, mối quan tâm của anh đang dành cho
những giáo phái cuồng tín thời Trung cổ và những kẻ đứng đầu điên rồ, tâm
thần, thường xuyên tự xưng là Đấng cứu thế. Đây là lần thứ hai trong năm
anh đọc cuốn sách của Norman Cohn Truy cầu Thời đại hoàng kim. Bị thúc
đẩy bởi những ý niệm về Ngày tận thế từ cuốn Sách Khải huyền và Sách
Tiên tri Daniel, tin chắc rằng Giáo hoàng là Ma vương phản Cơ đốc, và
rằng ngày chung cục của thế giới đang tiến đến, chỉ có những người hoàn
toàn thanh sạch mới được cứu rỗi, đám đông hỗn tạp hàng nghìn người tràn
qua vùng nông thôn nước Đức, từ thị trấn này sang thị trấn khác, tàn sát