Điều đó vẫn chưa xảy ra. Mặc dù mạng World Wide Web đã khiến siêu văn
bản trở nên phổ biến, có mặt ở mọi nơi nhưng các nghiên cứu vẫn tiếp tục
chỉ ra rằng những người đọc văn bản mang tính tuần tự sẽ hiểu nhiều hơn,
nhớ nhiều hơn và học hỏi được nhiều hơn so với những người đọc văn bản
chứa đầy rẫy các đường liên kết. Trong một nghiên cứu năm 2001, hai học
giả người Canada yêu cầu 70 người đọc truyện ngắn The Demon Lover
(Người tình ma quái) của nhà văn theo trường phái hiện đại Elizabeth
Bowen. Một nhóm đọc truyện ở dạng văn bản truyền thống còn nhóm thứ
hai đọc ở dạng có đường liên kết giống trên trang web. Những người đọc
siêu văn bản cần nhiều thời gian hơn để kết thúc cuốn truyện, tuy nhiên
trong cuộc phỏng vấn sau đó, họ đều trả lời là gặp nhiều nhầm lẫn và không
chắc chắn về những gì mình vừa đọc. Ba phần tư trong số đó cho biết họ
gặp khó khăn khi theo dõi văn bản, trong khi chỉ một phần mười số người
đọc văn bản truyền thống ghi nhận vấn đề này. Một người đọc siêu văn bản
phàn nàn: “Cuốn truyện rất thất thường. Tôi không biết điều này có phải do
siêu văn bản gây ra không, tuy nhiên tôi đã lựa chọn và bỗng nhiên, mọi thứ
không còn được suôn sẻ nữa, bỗng nhiên xuất hiện một ý tưởng mới mà tôi
không thể theo kịp”.
Những nhà nghiên cứu này cũng thực hiện một thí nghiệm thứ hai, dùng
một truyện ngắn hơn và đơn giản hơn là The Trout (Cá hồi) của Sean
O’Faolain, và cũng thu được kết quả tương tự. Một lần nữa những người
đọc siêu văn bản đều trả lời là gặp nhiều nhầm lẫn khi theo dõi văn bản, và
nhận xét của họ về nội dung cũng như hình ảnh của truyện ngắn ít chi tiết
và kém chính xác hơn nhận xét của những người đọc văn bản thông thường.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng siêu văn bản “dường như không khuyến
khích việc đọc sâu theo từng cá nhân”. Sự tập trung của độc giả “hướng về
cơ cấu hoạt động và chức năng của siêu văn bản hơn là trải nghiệm đến từ
truyện ngắn”.
[235]
Phương tiện dùng để trình bày từ ngữ nay lại che lấp ý
nghĩa của từ ngữ.