Đồng hồ không chỉ trở nên chính xác hơn và hoa mỹ hơn. Chúng còn nhỏ
hơn và rẻ hơn. Tiến bộ trong việc thu nhỏ kích thước đồng hồ dẫn tới sự
phát triển của những chiếc đồng hồ giá rẻ, có thể đặt trong phòng và thậm
chí có thể mang theo người. Nếu sự nở rộ của đồng hồ công cộng thay đổi
cách mọi người làm việc, mua sắm, giải trí và hành xử với tư cách là thành
viên trong một xã hội có trật tự hơn, sự phổ biến của công cụ theo dõi thời
gian cá nhân - đồng hồ treo tường, đồng hồ bỏ túi, và sau đó một chút là
đồng hồ đeo tay - còn tạo ra nhiều hệ quả gần gũi hơn. Landes nhận xét
đồng hồ cá nhân đã trở thành “một người đồng hành và người giám sát luôn
tai luôn mắt”. Bằng việc liên tục nhắc nhở người chủ của nó về “thời gian
đã dùng, thời gian đã qua, thời gian đã lãng phí, thời gian đã mất”, chiếc
đồng hồ trở thành “động lực và chìa khóa cho sự thành công và năng suất
lao động cá nhân”. Việc “cá nhân hóa” thời gian một cách chính xác là
“chất kích thích quan trọng cho chủ nghĩa cá nhân vốn là một khía cạnh nổi
bật của nền văn minh phương Tây”.
[69]
Đồng hồ cơ học đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân. Giống như
bản đồ, nó thay đổi cách chúng ta suy nghĩ. Khi đồng hồ đã định ra các
thang đơn vị bằng nhau, tư duy của chúng ta bắt đầu coi trọng việc chia nhỏ
và tính toán một cách có phương pháp. Chúng ta bắt đầu xem xét các mảnh
ghép làm nên tổng thể sự vật, và sau đó lại tiếp tục chia nhỏ từng mảnh
ghép đó. Tư duy của chúng ta trở nên giống Aristotle ở chỗ nhấn mạnh việc
hiểu rõ quy luật đằng sau những bề mặt hiện hữu của thế giới vật chất.
Chiếc đồng hồ đóng một vai trò cốt yếu trong việc thúc đẩy chúng ta thoát
khỏi thời Trung cổ, tiến tới thời Phục Hung và sau đó là thời Khai Sáng.
Trong cuốn Technics and Civilization(Kỹ thuật và Văn minh) viết năm 1934
về hệ quả của công nghệ, Lewis Mumford mô tả cách thức đồng hồ “giúp
tạo niềm tin vào một thế giới tự do của những chuỗi sự kiện có thể tính toán
chính xác”. “Khuôn khổ trừu tượng của thời gian chia khoảng” đã trở thành
“trục tham chiếu cho cả hành động và suy nghĩ”.
[70]
nhu cầu thực dụng đã thúc đẩy sự phát minh công cụ tính giờ và kiểm soát