Trong kinh doanh, một chuyên gia phân tích đầu tư có thể phỏng đoán giá trị
cổ phiếu của một doanh nghiệp sau hai năm, nếu thu nhập tăng trưởng theo một tỷ
lệ phần trăm nhất định trên năm. Phép tính giá trị tương lai này giúp chuyên gia
phân tích đó tư vấn cho khách hàng trả lời câu hỏi: đầu tư vào doanh nghiệp này có
phải là một ý hay hay không?
Tính toán giá trị tương lai mở ra một tấm vải lớn cho các nghệ sĩ tài chính tha
hồ trổ tài. Chẳng hạn, hãy nhìn vào kế hoạch nghỉ hưu ở trên. Bạn giả định tỷ suất
sinh lợi bình quân trong 30 năm tới là 3%, hay 6%? Chênh lệch giữa hai giả định sẽ
rất lớn: với tỷ suất 3%, số tiền 50.000 đô-la của bạn sẽ chỉ tăng lên hơn 121.000 đô-
la (đừng vội bận tâm đến việc lạm phát sẽ tác động như thế nào đến giá trị của đồng
tiền trong suốt thời gian đó). Với tỷ suất sinh lợi 6%, nó sẽ tăng lên hơn 287.000
đô-la. Rất khó quyết định đâu là lãi suất thích hợp nên dùng: làm sao ta biết được
mức lãi suất nào sẽ chiếm ưu thế trong 30 năm tới? May mắn thì việc tính toán giá
trị tương lai trong khoảng thời gian xa như thế là một phỏng đoán kinh nghiệm –
một phép thực hành thể hiện tài năng nghệ thuật.
Chuyên gia phân tích chứng khoán ở vị trí có phần thuận lợi hơn, bởi thời gian
tính toán chỉ là hai năm. Tuy nhiên, vị chuyên gia này sẽ có nhiều biến phải vượt
qua hơn. Tại sao chị lại cho rằng thu nhập có thể tăng với tỷ lệ 3% hoặc 5% hoặc
7% hoặc một con số nào đó khác? Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng tăng với tỷ lệ
như vậy? Nếu thu nhập chỉ tăng với tỷ lệ, chẳng hạn là 3%, nhà đầu tư có thể không
có lãi, và bán đứt cổ phần của mình, và như thế tỷ lệ giá trên thu nhập của cổ phiếu
có thể giảm. Nếu thu nhập tăng với tỷ lệ 7%, nhà đầu tư có thể hào hứng mua thêm
cổ phiếu và đẩy tỷ lệ giá trên thu nhập lên. Và tất nhiên, bản thân thị trường cũng sẽ
tác động lên giá cổ phiếu, và không ai có thể dự đoán chắc chắn định hướng chung
của thị trường. Một lần nữa, chúng ta lại quay trở lại với phỏng đoán theo kinh
nghiệm.
Trên thực tế, mọi tính toán cho giá trị tương lai đều gồm một loạt các giả định
về những gì sẽ xảy ra trong khoảng thời gian từ hiện tại cho đến thời điểm mà ta
xem xét. Sự biến động của lãi suất là một dạng rủi ro tài chính. Triển vọng đầu tư
càng dài, người ta càng phải đưa ra nhiều ước tính, do đó rủi ro càng lớn.
Giá trị hiện tại
Đây là khái niệm được sử dụng phổ biến nhất trong phân tích khoản mục đầu
tư cơ bản. Nó ngược lại với giá trị tương lai. Chẳng hạn, bạn tin rằng, trong ba năm
tới, một dự án đầu tư cụ thể sẽ tạo ra 100.000 đô-la tiền mặt mỗi năm. Nếu bạn