25. TÍNH TỶ LỆ HOÀN VỐN ĐẦU TƯ
Kiến thức căn bản
Chi phí đầu tư cơ bản. Đầu tư vốn. Ngân sách vốn. Và tất nhiên là cả tỷ lệ
hoàn vốn đầu tư (return on investment, hay ROI). Nhiều doanh nghiệp sử dụng các
thuật ngữ này khá dễ dãi, thậm chí còn thay thế chúng cho nhau, và quả thật thường
thì chúng liên quan tới cùng một thứ – quá trình quyết định cần bao nhiêu vốn đầu
tư để gia tăng giá trị của doanh nghiệp.
PHÂN TÍCH CHI PHÍ ĐẦU TƯ CƠ BẢN
Chi phí đầu tư cơ bản (capital expenditures) là những dự án lớn, đòi hỏi phải
đầu tư lượng tiền mặt đáng kể. Mỗi doanh nghiệp lại có một cách định nghĩa khác
nhau thế nào là đáng kể; một số vạch lằn ranh ở mốc 1.000 đô-la, số khác lại định ở
mức 5.000 đô-la hoặc cao hơn nữa. Doanh nghiệp thường kỳ vọng các dự án đầu tư
cơ bản sẽ giúp tạo ra doanh thu hoặc giảm chi phí trong thời gian ít nhất là một
năm. Hạng mục này rất rộng, bao gồm mua sắm thiết bị, mở rộng hoạt động kinh
doanh, mua lại doanh nghiệp và phát triển sản phẩm mới. Một chiến dịch marketing
mới cũng có thể được coi là một dự án đầu tư vốn cơ bản. Sửa chữa tòa nhà, nâng
cấp hệ thống máy tính và mua xe mới cho doanh nghiệp cũng vậy.
Các khoản mục chi phí này được xử lý khác với các mua bán hàng tồn kho,
văn phòng phẩm, đồ dùng tiện ích, v.v… thường vì ba lý do. Thứ nhất đơn giản vì
chúng đòi hỏi doanh nghiệp phải chi một khoản tiền mặt lớn (và đôi khi là vô hạn).
Thứ hai là vì chúng thường được kỳ vọng sẽ mang lại lợi tức trong nhiều năm, vì
vậy giá trị tiền tệ theo thời gian cũng được tính đến. Thứ ba, chúng luôn bao hàm
một mức độ rủi ro nào đó. Một doanh nghiệp có thể không biết liệu chi phí này có
“hiệu quả” không – tức là, liệu nó có mang lại những kết quả như kỳ vọng không.
Ngay cả nếu nó không hiệu quả như dự kiến, doanh nghiệp cũng không thể
biết chính xác khoản đầu tư đó sẽ mang lại chính xác bao nhiêu tiền mặt. Chúng tôi
sẽ trình bày những bước cơ bản để phân tích các chi phí đầu tư cơ bản, sau đó
hướng dẫn bạn ba phương pháp mà dân tài chính thường dùng để đánh giá có nên
thực hiện một khoản mục đầu tư cơ bản không.
Nhưng làm ơn: hãy nhớ rằng đây cũng là một bài luyện nghệ thuật tài chính.
Nó quả thật rất tuyệt vời: các chuyên gia tài chính có thể và thật sự phân tích các đề
án, rồi đưa ra những khuyến nghị dựa trên các giả định và ước tính, và kết quả thu