NPV), và phương pháp tính tỷ suất sinh lợi nội bộ (internal rate of return, hay IRR).
Mỗi phương pháp cung cấp những thông tin khác nhau, và mỗi phương pháp có
những điểm mạnh và điểm yếu đặc thù.
Bạn có thể thấy ngay rằng hầu hết công việc và trí tuệ cho công tác lập ngân
sách vốn tốt đều đòi hỏi các ước tính về chi phí và lợi nhuận. Ta phải thu thập và
phân tích nhiều dữ liệu – đây là công việc khó khăn từ trong bản chất. Sau đó, ta
phải biến chuyển các dữ liệu này thành những dự phóng về tương lai. Các nhà quản
lý khôn ngoan về tài chính hiểu cả hai đều là những quá trình khó khăn, và họ sẽ
đặt câu hỏi cũng như thách thức các giả định.
TÌM HIỂU BA PHƯƠNG PHÁP
Để giúp bạn thấy các bước trên vận hành ra sao trong thực tế, chúng ta sẽ
nghiên cứu một ví dụ đơn giản. Công ty của bạn đang cân nhắc mua một thiết bị –
chẳng hạn như, một chiếc máy tính chuyên dụng – có giá 3.000 đô-la. Công ty kỳ
vọng có thể sử dụng chiếc máy tính này trong ba năm. Ước tính, cuối mỗi năm,
chiếc máy tính sẽ mang về cho công ty 1.300 đô-la. Tỷ suất sinh lợi yêu cầu – tức,
ngưỡng hoàn vốn – mà công ty đặt ra là 8%.
Vậy, bạn có mua chiếc máy tính này không?
Phương pháp tính thời gian hoàn vốn
Phương pháp tính thời gian hoàn vốn có lẽ là cách thức đơn giản nhất để đánh
giá dòng tiền tương lai mà một khoản mục đầu tư cơ bản mang lại. Nó đo lường
thời gian cần thiết để dòng tiền mà dự án tạo ra có thể hoàn vốn cho khoản đầu tư
ban đầu – hay nói cách khác, nó cho ta biết phải mất bao lâu ta mới có thể thu hồi
vốn bỏ ra. Thời gian hoàn vốn rõ ràng phải ngắn hơn tuổi đời của dự án; nếu
không, chẳng có lý do gì để đầu tư cả.
Trong ví dụ của chúng ta, bạn sẽ lấy khoản đầu tư ban đầu là 3.000 đô-la và
chia cho dòng tiền thu được mỗi năm để tính thời gian hoàn vốn:
3.000
=
2,31 năm
1.300/năm
Chúng ta biết rằng thiết bị này sẽ được sử dụng trong ba năm, nên thời gian
hoàn vốn đã đáp ứng được bài kiểm tra đầu tiên: ngắn hơn tuổi đời của dự án. Điều
mà chúng ta chưa tính đến là thiết bị sẽ mang lại bao nhiêu lợi nhuận trong suốt
tuổi đời sử dụng đó.