27. CÁC ĐÒN BẨY TRÊN BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN
Hầu hết các doanh nghiệp đều sử dụng tiền mặt để hỗ trợ tài chính cho các
giao dịch mua sản phẩm, hoặc dịch vụ của khách hàng. Trên bảng cân đối kế toán,
chúng là khoản mục “phải thu”– số tiền mà khách hàng nợ tại một thời điểm cụ thể,
dựa trên giá trị của sản phẩm mà họ đã mua trước đó.
Như chúng ta đã gặp trong Phần V, tỷ lệ được dùng chủ yếu để đo lường các
khoản phải thu là kỳ thu tiền bình quân (days sales outstanding, hay DSO) – tức là
số ngày trung bình mà doanh nghiệp phải chờ đợi mới thu về các khoản phải thu.
DSO của doanh nghiệp càng dài, vốn lưu động cần thiết để vận hành doanh nghiệp
càng lớn. Tiền mặt của doanh nghiệp đang được khách hàng nắm giữ dưới dạng sản
phẩm, hoặc dịch vụ chưa thanh toán, vì vậy nó không sẵn dùng để doanh nghiệp
mua hàng tồn kho, cung cấp dịch vụ, v.v… Ngược lại, DSO của doanh nghiệp càng
ngắn, vốn lưu động cần thiết để vận hành hoạt động kinh doanh càng nhỏ. Do vậy,
càng có nhiều người hiểu DSO và tìm cách cắt giảm nó, doanh nghiệp sẽ càng có
nhiều tiền mặt sẵn dùng.
QUẢN LÝ DSO
Bước đầu tiên trong hoạt động quản lý DSO là hiểu nó là gì và nó đang đi theo
chiều hướng nào. Nếu nó cao hơn dự trù, và cụ thể nếu nó có xu hướng đi lên (đây
là tình huống gần như luôn xảy ra), các nhà quản lý cần bắt đầu đặt ra những câu
hỏi.
Chẳng hạn, các giám đốc sản xuất và R&D phải đặt cho mình câu hỏi: có phải
có vấn đề nào đó với sản phẩm, khiến khách hàng không sẵn lòng thanh toán hóa
đơn không? Công ty có đang bán những gì mà khách hàng cần và kỳ vọng không?
Có vấn đề gì với hoạt động giao nhận không? Các vấn đề về chất lượng và giao
hàng chậm thường dẫn đến thanh toán chậm, vì khách hàng không hài lòng với sản
phẩm nhận được và quyết định trì hoãn thanh toán. Vì lẽ đó, các trưởng bộ phận
bảo đảm chất lượng, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm cũng có tác động
lên khoản phải thu, hệt như các nhà quản lý lĩnh vực sản xuất và vận chuyển. Ở
doanh nghiệp dịch vụ, bộ phận chạy vòng ngoài để cung cấp dịch vụ cũng cần đặt
cho mình những câu hỏi tương tự. Nếu khách hàng của ngành dịch vụ không hài
lòng với những gì họ được, họ cũng sẽ trì hoãn thanh toán.
Các nhà quản lý tiếp xúc trực tiếp với khách hàng – trưởng các bộ phận bán
hàng và chăm sóc khách hàng – cũng nên đặt ra những câu hỏi tương tự. Tình trạng