đó phát sinh, kể cả trong trường hợp họ phải ước tính chính xác con số cuối cùng là
bao nhiêu. Vì vậy khi cuộc tái cơ cấu diễn ra, các kế toán viên cần ước tính những
chi phí này và ghi nhận chúng.
Đây thật sự là nơi cần cắm cờ vàng cảnh báo − một nơi tuyệt vời cho các định
kiến số liệu. Nói cho cùng thì bạn thực sự ước tính chi phí tái cơ cấu như thế nào?
Các kế toán có nhiều quyền tự quyết, và họ có khả năng che đậy dấu vết theo
hướng này hay hướng khác. Nếu dự toán họ đưa ra quá cao − tức là nếu chi phí
thực tế thấp hơn dự kiến − thì một phần của khoản phí một lần đó phải được “đảo
ngược lại”. Một khoản đảo ngược như vậy sẽ tăng thêm lợi nhuận cho kỳ mới, làm
nó tăng chóng mặt so với lợi nhuận thực − và tất cả là bởi ước tính của kế toán
trong kỳ trước đó thiếu chuẩn xác! Người ta từng kháo nhau rằng Al Dunlap “Cưa
Xích”, CEO khét tiếng của Sunbeam, đã coi bộ phận kế toán như một trung tâm lợi
nhuận, và những trình bày ở trên có thể giải thích tại sao. (Nếu bạn nghe một nhà
điều hành cấp cao nói về bộ phận kế toán theo cách ấy, công ty của bạn ắt có vấn
đề).
Tất nhiên, cũng có thể có trường hợp chi phí tái cơ cấu quá thấp. Khi đó, sẽ
phải có một khoản phí khác được chi ra sau đó. Cách này làm số liệu rối tung, vì
khoản phí đó không thật sự phù hợp với một khoản doanh thu nào trong kỳ kế tiếp.
Trong kỳ này, lợi nhuận sẽ thấp hơn so với thực tế, và một lần nữa là vì các kế toán
viên đã đưa ra dự toán không chính xác trong khung thời gian trước đó. Trong suốt
giai đoạn đầu những năm 1990, năm nào AT&T cũng thực hiện một khoản tái cơ
cấu “một lần”. Công ty này liên tục khẳng định rằng thu nhập trước tái cơ cấu đang
tăng − nhưng việc làm này không tạo được thay đổi đáng kể, bởi sau toàn bộ những
khoản tái cơ cấu này, công ty lại rơi vào tình trạng biến động tài chính. Hơn nữa,
nếu một công ty liên tục chi các khoản tái cơ cấu một lần đặc biệt suốt nhiều năm,
thì những khoản chi ấy có thể đặc biệt đến thế nào?