mô tả mình như một người vô thần theo bản năng, chẳng bận tâm chút nào
về câu chuyện trên; ông tìm kiếm nguồn gốc những giá trị của con người nơi
những nhu cầu và tâm lí của con người (Human, all too Human (Thuộc con
Người, thảy đều quá Người) là tên gọi đầy hàm ý của một trong những tác
phẩm ban đầu của ông).
Ông không phải là người đầu tiên làm như vậy, điều được ông nói rõ
trong bài tựa, đoạn §4. Thật ra đã có một truyền thống về tin tưởng nói trên,
và Nietzsche rút ra luận điểm trung tâm của truyền thống đó, có thể diễn tả
khái quát qua những dòng sau đây: khi con người thấy một số loại ứng xử
(về phần những cá nhân) là có lợi cho họ và cho sự điều hành suôn sẻ của xã
hội của họ, thì họ gọi chúng là ‘tốt’, và hăng hái cổ vũ cho chúng; còn nếu
họ thấy chúng là bất lợi, thì ngược lại. Thế nên, thật đơn giản, điều đó giải
thích vì sao cách ứng xử vì lợi ích của người khác hơn là của chính mình lại
đi tới chỗ được xem là tốt - những người khác tuyên bố rằng chúng tốt, vì lợi
ích mà họ nhận được.
Xét theo bề ngoài, điều nói trên hoàn toàn đáng tin cậy: một xã hội luôn
củng cố những gì có lợi cho nó. Nhưng Nietzsche xem đó là những lời lẽ
ngu xuẩn sướt mướt tình cảm, không có cơ sở lịch sử. Dựa trên kiến thức
chuyên môn của ông về những cổ ngữ (ông từng có chức nghiệp học thuật
thành công mau chóng đó, nhưng rồi ông đã từ bỏ) ông đã kể một câu
chuyện khác hẳn. Hoàn toàn không phải là những người hưởng lợi ích từ
cách ứng xử của những kẻ khác, đã gọi những kẻ khác này (và cách ứng xử
của họ) là ‘tốt’, chính là những giai cấp bên trên, tầng lớp quý tộc, quý phái,
những nhà cai trị trong những xã hội cổ đại là những kẻ đầu tiên tự coi họ
(và cách sống của họ) là tốt, và người thường; những kẻ nô lệ, đám dân
chúng bị trị, là xấu. Những phân biệt tốt/xấu buổi đầu có lẽ tốt hơn nên được
hiểu là những phân biệt giữa ‘quý phái’ và ‘hạ tiện’, tự do và nô lệ, lãnh đạo
và bị trị, giữa người có học và kẻ thất học. Chúng là những từ mà nhóm
chóp bu tán tụng chính họ, sức mạnh của họ, và cách sống của họ, và biểu
đạt phạm vi của khoảng cách họ cảm nhận giữa họ và đám đông yếu đuối,
bần cùng, hèn hạ.